(VnMedia) -
Sẽ không có giải pháp nào để vừa giữ được cảnh quan, môi trường, vừa phát triển kinh tế mà lại không phải chi ra cả đống tiền thuế của dân để đền bù cho những doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào Sơn Trà. Giải pháp nào cũng sẽ có mất mát. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm?
Những ngày gần đây, không chỉ người dân và chính quyền Đà Nẵng mà người dân cả nước, Quốc hội, Chính phủ đều đặc biệt quan tâm đến số phận của Bán đảo Sơn Trà. Liệu có giải pháp nào để có thể vừa giữ được cảnh quan, vừa phát triển kinh tế mà lại không phải chi ra cả đống tiền để đền bù cho những doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào mảnh đất này?
Hôm qua, trong buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2017, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã khẳng định, quan điểm của Thành phố đối với Sơn Trà là phải cân bằng như thế nào cho phù hợp giữa bảo tồn và phát triển.
Tuy nhiên, điều này nói thì dễ, nhưng làm như thế nào lại không hề đơn giản.
Được biết, trước năm 2013, lãnh đao thành phố Đà Nẵng thời kỳ đó đã phê duyệt, cấp phép chủ trương đầu tư cho 25 dự án. Trong đó có 18 dự án du lịch và có 11 dự án có phòng lưu trú với quy mô phòng lưu trú gồm: 1.400 phòng khách sạn và 1.920 căn biệt thự. Đến nay, 11/18 dự án du lịch đã được ban hành Quyết định giao đất, cho thuê đất và giao quản lý đất tại bán đảo Sơn Trà.
Theo ông Thơ cho biết, hầu hết các dự án này đã hoàn thành thủ tục đất đai. Phần đất giao đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và đã lấy sổ đỏ từ 5 – 7 năm trước. Đất thuê cũng đã ký hợp đồng thuê từ lâu.
Băn khoăn không biết ý kiến đề nghị “giữ nguyên hiện trạng” là giữ nguyên các dự án như hiện nay đang có, hay là “trả lại nguyên trạng” ban đầu cho Sơn Trà, tức là không có dự án nào, người đứng đầu thành phố Đà Nẵng đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn mà Thành phố đang gặp phải đối với đề nghị “hóc búa” này, bởi nếu những đề nghị được đưa ra khi chưa có các dự án thì “việc giải bài toán Sơn Trà không phải quá khó”, còn hiện nay, việc xử lý các dự án đang hiện hữu như vậy thì “không phải muốn là được ngay.”
Cái khó, mà Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói đến, đó chính là việc giải quyết như thế nào đối với những doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư một cách “hoàn toàn hợp pháp”. Họ đã được lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng thời kỳ trước phê duyệt, cấp phép đầu tư, đất đã giao, tiền cũng đã thu rồi, giá đất thì leo thang mỗi ngày và chính quyền đương thời lại phải đau đầu tìm cách giải quyết hậu quả.
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng giờ đây, Đà Nẵng không còn cơ hội để chọn 1 trong 2, mà đang đứng trước ngã ba đường. Nếu phải trả lại nguyên trạng cho Sơn Trà như trước kia, Đà Nẵng sẽ không chỉ hy sinh lợi ích kinh tế mà còn phải cân đối tài chính, đất đai đề đền bù, thậm chí còn có thể bị kiện.
Chính Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ dã thẳng thắn chia sẻ: “Khi giao đất trước đây thì còn hoang hóa, đất rất rẻ nhưng bây giờ thì hết sức đắt đỏ. Nếu tính toán thu hồi thì phải hỗ trợ, bồi thường, bố trí lại… Đây là vấn đề rất nan giải với số lượng đất đai lên tới gần 900ha, đặt biệt là quy ra tiền.”
Vì môi trường, chúng ta phải chấp nhận hạn chế phát triển nóng. Vì môi trường, chúng ta thậm chí phải bỏ tiền ra đề bù cho doanh nghiệp. Nhưng, đó đều là những đồng tiền thuế của dân, những đồng tiền mà lẽ ra phải được dùng để lo cho an sinh xã hội, lo phát triển hạ tầng...
Đà Nẵng đang ở vào một “ngã ba đường” mà không có lựa chọn nào là hoàn hảo, là không mất mát. Nếu lựa chọn phương án cứ tiếp tục thực hiện các dự án thì chính quyền Thành phố có thể sẽ phải đứng trước sự chỉ trích rất lớn của dư luận. Và dù không phải là những người trực tiếp gây ra hậu quả này, niềm tin của người dân với các lãnh đạo đương nhiệm sẽ mất mát rất nhiều.
Nếu lựa chọn phương án dừng các dự án, Thành phố sẽ phải đau đầu tính toán để đưa ra những khoản tiền lớn, hợp lý đền bù cho các doanh nghiệp.
Cao hơn, nếu phải trả lại nguyên trạng ban đầu của Sơn Trà, sẽ còn phải khó khăn, tốn kém hơn rất, rất nhiều.
Nhưng với những hậu quả như hiện nay, không lẽ chỉ đơn giản là việc Đà Nẵng cân nhắc xem cần phải chi ra bao nhiêu tiền thuế của dân để giải quyết êm đẹp vụ việc? Với những bất bình trong dư luận, với nguy cơ sẽ mất một số tiền lớn như vậy, chẳng lẽ không một ai chịu trách nhiệm? Và nếu có, thì họ là ai? những ai đã ký hay những ai đã tham mưu để chính quyền Đà Nẵng ra những quyết định dẫn tới những hậu quả này, rất cần phải làm rõ và xử lý nghiêm cho dù họ đã nghỉ hưu để làm bài học cho không chỉ ở Đà Nẵng mà còn rất nhiều địa phương khác trên cả nước.
Hoàng Hà
Ý kiến bạn đọc