(VnMedia)-
Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, việc đưa ra yêu cầu đòi bồi thường liên quan đến việc ban hành rồi gỡ bỏ GPLX có thể coi là đòi hỏi chính đáng bởi vì cán bộ sống bằng tiền ngân sách phải có trách nhiệm làm lợi cho người dân.
Chính thức bỏ quy định đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET
Bộ GTVT vừa chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 58 sau khi bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”. Theo đó, đối với giấy phép lái xe ôtô còn thời hạn thì không bắt buộc phải đổi sang thẻ PET.
Điều 46 của Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định, lộ trình chuyển đổi sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET cụ thể như sau: Giấy phép lái xe ôtô và giấy phép lái xe hạng A4 có thời hạn bằng giấy bìa được chuyển đổi sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET khi hết hạn theo quy định.
Theo Thông tư số 12 của Bộ Giao thông Vận tải, việc ấn định thời hạn buộc đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa như thông tư trước đó đã bị bãi bỏ. Trong đó, điều khoản quy định lộ trình đổi bằng lái xe không thời hạn A1, A2, A3 trước ngày 31/12/2020 như thông tư cũ quy định cũng không còn hiệu lực.
Như vậy, giấy phép có thời hạn chỉ thực hiện việc đổi bằng lái xe trước khi hết thời hạn sử dụng. Người có giấy phép lái xe bị hỏng còn thời hạn sử dụng được đổi giấy phép lái xe. Tuy nhiên, trong thông tư mới, Bộ Giao thông Vận tải cũng khuyến khích việc đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2020.
Trước đó, Cục Kiểm tra quy phạm văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã “tuýt còi” Thông tư 58 của Bộ Giao thông Vận tải về lộ trình buộc người dân phải chuyển đổi giấy phép lái xe vật liệu giấy sang vật liệt PET.
Bộ Tư pháp cho rằng, điều 57 của Thông tư 58 quy định về lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET của Bộ Giao thông Vận tải không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp. Về mặt pháp lý, trong thời gian có giá trị của giấy phép (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng), quyền sở hữu, sử dụng giấy phép của người có giấy phép lái xe phải được pháp luật bảo đảm.
Việc chuyển đổi các giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng sang vật liệu mới, có thu lệ phí, cần được xem là quyền của người dân và được thực hiện khi người dân có nhu cầu.
Nhu cầu đòi bồi thường là chính đáng
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với
VnMedia, luật sư Nguyễn Văn Kiệm, văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong tình huống này, nếu người dân có yêu cầu đòi bồi thường cũng là chính đáng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, việc một cơ quan nhà nước ban hành một văn bản, chính sách điều chỉnh các hoạt động về kinh tế xã hội có gây thiệt hại về kinh tế xã hội thì yêu cầu đòi hỏi bồi thường của công dân là hoàn toàn chính đáng.
Nhưng về pháp lý hiện nay chưa có văn bản nào quy định. Hiện mới chỉ có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhưng phạm vi áp dụng lại hạn hẹp. Theo đó, Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.
Không chỉ hạn hẹp về phạm vi áp dụng, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, theo quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, hoạt động hành chính cũng chỉ giới hạn trong phạm vi hạn hẹp vào vụ việc cụ thể là: Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;... chứ không phải là một chính sách về quản lý nhà nước nói chung như Thông tư, Nghị định... một chính sách có phạm vi bao quát rộng.
"Việc nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi này là một thiếu xót. Nguyên nhân là do chậm trong việc xây dựng chính sách pháp luật để quy kết trách nhiệm, ràng buộc trách nhiệm của người trong cơ quan quản lý nhà nước", luật sư Nguyễn Văn Kiệm nói.
Cũng theo chia sẻ của luật sư Nguyễn Văn Kiệm, đặt giả thiết là có quy định pháp lý để giải quyết việc bồi thường này rồi thì lại phải căn cứ vào Bộ Luật Dân sự, đây là cái gốc để xác định về bồi thường. Nếu muốn được bồi thường thì đầu tiên phải chứng minh được lỗi của người gây ra thiệt hại. Thứ hai là thiệt hại cụ thể là cái gì bằng tiền, vật... Phải chứng minh được bằng hóa đơn chứng từ, văn bản cụ thể. Áp dụng cụ thể vào việc đổi thẻ PET, để chứng minh thiệt hại lại không hề dễ.
"Về mặt chủ quan, ai cũng nhìn thấy việc này gây thiệt hại về thời gian, mất công, tăng chi phí... nhưng không chứng minh được rõ ràng về mức độ thiệt hại. Chính vì không có pháp lý rằng buộc nên không quy kết được trách nhiệm của việc ban hành văn bản quy phạm trái pháp luật", luật sư Kiệm nói.
Như vậy trong tình huống không bồi thường được chỉ còn có hình thức xin lỗi. Đã có tiền lệ về việc ban hành văn bản quy phạm trái pháp luật và cơ quan ban hành phải xin lỗi người dân?
Trả lời cho câu hỏi này, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, trong lịch sử chưa có một cơ quan nào đứng ra xin lỗi vì ban hành chính sách sai. Bộ GTVT nên gương mẫu và thực hiện việc xin lỗi người dân. Việc xin lỗi khi ban hành sai, không đúng thể hiện đời sống xã hội văn minh hơn. Và sau việc xin lỗi thì phải tìm cách khắc phục về mặt pháp lý không thể tùy tiện trong việc ban hành văn bản được.
"Không sớm khắc phục được sẽ tạo một tiền lệ xấu là tùy tiện ban hành văn bản, thấy không đúng hoặc không có hiệu quả về mặt quản lý xã hội lại thay đổi sẽ không ràng buộc được trách nhiệm của người đứng đầu", luật sư Nguyễn Văn Kiệm nói.
Lam Nguyên
Ý kiến bạn đọc