"Bộ GTVT cần xi​n lỗi người dân vụ đổi giấy phép lái xe thẻ PET"

09:17, 03/05/2017
|

TS. Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - bày tỏ quan điểm như vậy trước việc Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 12 huỷ bỏ quy định bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe bìa giấy sang vật liệu nhựa PET, gây bức xúc dư luận thời gian qua.

TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh: T.K)
TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh: T.K)

TS. Lê Hồng Sơn khẳng định, giấy phép lái xe là một loại giấy tờ để người dân chứng minh một quyền của mình. Chính vì thế, muốn quy định về thời hạn của giấy phép lái xe thì phải được quy định từ cấp nghị định của Chính phủ trở lên; còn cấp Bộ, địa phương không có quyền quy định thời hạn này.

Tuy nhiên Thông tư 58 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành trước đây lại quy định đổi giấy phép lái xe ô tô và giấy phép hạng A4 bằng vật liệu giấy phải đổi sang vật liệu PET trước ngày 31/12/2016; giấy phép lái xe mô tô không thời hạn, giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3 phải xong trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng của thời hạn chuyển đổi này, nếu người có giấy phép lái xe giấy chưa đỏi sang vật liệu PET thì phải thi lại lý thuyết để được cấp giấy phép lái xe mới. Chính vì thế, suốt một thời gian dài người dân trên cả nước đổ xô đi làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe dù còn thời hạn sử dụng. Các cơ sở cấp đổi giấy phép lái xe trong tình trạng quá tải, muốn làm nhanh người dân phải mất thêm tiền cho “cò dịch vụ”.

Bộ Tư pháp đã “tuýt còi” quy định trái luật, hành dân của Thông tư 58 nhưng sau một thời rất dài Bộ Giao thông vận tải mới ban hành Thông tư 12, thay thế Thông tư 58. Vậy theo ông, những hậu quả của việc ban hành thông tư có quy định trái luật gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho người dân như thế này sẽ xử lý thế nào?

- Thông tin được nêu ra trong Thông tư 58 là “lập lờ”, tuỳ tiện khiến người dân lo sợ nếu không đi đổi giấy phép lái xe thì sẽ bị xử phạt tiền và thi lại lý thuyết để được cấp giấy phép lái xe mới. Điều đó có nghĩa là gây ảnh hưởng tới quyền sử dụng tài sản của người dân và làm cho người dân hiểu sai.

Xử lý câu chuyện này phải nhìn dưới 2 góc độ. Thứ nhất, tôi cho rằng phải xử lý trách nhiệm của những người đưa ra nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định đó, làm cho xã hội mất thời gian, tiền bạc để đi đổi giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng. Phải xử lý kỷ luật những cán bộ này chứ không thể để rút kinh nghiệm sâu sắc, bỏ qua một cách im lặng như thế này được.

Quan trọng hơn là vấn đề thứ hai cần giải quyết. Đó là những người dân mất thời gian, công sức, tiền bạc để đi đổi giấy phép lái xe, dù còn thời hạn (ô tô) hoặc vô thời hạn (xe máy).

Trước đây khi chúng tôi xử lý các văn bản trái luật do UBND cấp tỉnh ban hành cũng đã đặt ra trách nhiệm bồi thường, nhưng sau đó thấy đụng chạm nhiều quá, nếu xử lý nghiêm thì có nguy cơ vỡ trận. Thế nên chúng tôi hướng dẫn rằng người dân nào còn giữ hồ sơ xử phạt thì đưa ra toà hành chính để buộc chính quyền trả lại tiền cho người dân. Trong chuyện đổi giấy phép lái xe thẻ PET này cũng tương tự như thế. 

Bộ Giao thông vận tải đã bãi bỏ quy định bắt buộc đổi giấy phép lái xe vật liệu giấy sang vật liệu nhựa (Ảnh minh hoạ: Việt Hưng)
Bộ Giao thông vận tải đã bãi bỏ quy định bắt buộc đổi giấy phép lái xe vật liệu giấy sang vật liệu nhựa (Ảnh minh hoạ: Việt Hưng)

- Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải cần phải lên tiếng xin lỗi người dân, chứ không thể chỉ dừng lại ở việc “lẳng lặng” ban hành Thông tư 12 thay thế Thông tư 58 có quy định trái luật như vậy?

- Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra văn bản có quy định trái luật như thế thì ít nhất phải có lời xin lỗi, cao hơn xin lỗi là xác định trách nhiệm của mình để xử lý hậu quả. Thậm chí tôi cho rằng cần miễn phí cấp đổi giấy phép lái xe cho những người đã vội vã đi đổi giấy phép lái xe còn thời hạn theo Thông tư 58 trước đây nữa.

- Từ câu chuyện của Thông tư 58 có quy định trái luật gây thiệt hại cho người dân tiếp tục đặt ra việc phải ban hành chế tài mạnh hơn nữa đối với những cán bộ “xây dựng văn bản ngồi phòng máy lạnh”?

- Việc xử lý kỷ luật đối với những cán bộ tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản trái luật gây ảnh hưởng cho người dân, doanh nghiệp còn e dè, nhân nhượng, thậm chí bao che lẫn nhau. Ví dụ như vừa rồi như Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xin lỗi quanh việc cấm biểu diễn 5 bài hát ra đời trước năm 1975 nhưng chỉ xử lý một ông cán bộ cấp phòng. Đó là điều mà người dân nghe thấy chối quá, người ta thấy Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lẽ ra phải xử lý đúng mức hơn, ít nhất là cảnh cáo, thậm chí cách chức người liên quan, khiến dư luận xã hội bức xúc như vậy.

Hiện nay có rất nhiều trường hợp ở các bộ ngành, địa phương ra chủ trương sai, gây thiệt hại cho người dân nhưng sau đó im lặng. Câu chuyện ban hành thông tư buộc người dân đổi giấy phép lái xe còn hạn sang giấy phép lái xe thẻ PET cũng vậy, Bộ Giao thông vận tải phải sớm có động thái chứ. Bởi chắc chắn những cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kể cả Quốc hội sẽ phải có thái độ về việc này. Không thể để một bộ tuỳ tiện ban hành quy định, làm người dân bức xúc như vậy.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Thế Kha/Dân trí

 


Ý kiến bạn đọc