Chống tham nhũng: Báo chí làm gì để tăng hiệu quả, tránh rủi ro?

16:32, 28/04/2017
|

(VnMedia) - Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin của báo chí. Tuy nhiên, đã có không ít nhà báo cũng rơi vào vòng lao lý bởi nhiều lý do...

3 lĩnh vực dễ tham nhũng

chủ tịch  Nguyễn Thiện Nhân
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP)” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo và Báo Nhân dân được tổ chức sáng ngày 28/4/2017, PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trong mươi năm trở lại đây, tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp: quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng phổ biến, hình thức biểu hiện ngày càng hoành hành và trơ trẽn, sự cấu kết lợi ích nhóm ngày càng chặt chẽ và có hệ thống...

PGS.TS Nguyễn Văn Dững đã nêu 3 lĩnh vực dễ có tham nhũng như: Tham nhũng đất đai, tham nhũng trong quy hoạch dự án và tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Dẫn chứng trong tham nhũng đất đai, PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho biết, chỉ trong tháng 4/2017, hàng loạt vụ cưỡng chế thu hồi đất của nông dân cho các dự án của doanh nghiệp đang làm dấy lên sự phản đối quyết liệt trong cư dân. Từ khi có luật đất đai mới ban hành, trao quyền cho chính quyền cấp huyện thu hồi đất, việc cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp diễn ra khá phức tạp.

Thầy Dững
PGS,TS Nguyễn Văn Dững 

Hàng chục ngàn héc-ta được gói trong các dự án mỹ miều, được thu hồi giao cho doanh nghiệp (DN) nhưng bỏ hoang hóa; DN chỉ ngồi chờ “đất lên” để bán, mà không đủ năng lực triển khai dự án theo thiết kế... trong khi nông dân bị thu hẹp nguồn sống...Vấn đề mâu thuẫn trong thu hồi đất đai, chưa thể giải quyết ổn thỏa, mà ngày càng phức tạp, gây bất ổn chính trị - xã hội, chủ yếu là do cấu kết lợi ích nhóm của những người có chức quyền trong bộ máy.

Về tham nhũng trong quy hoạch dự án, PGS.TS Nguyễn Văn Dững chỉ rõ, trong lúc dư luận xã hội đang bức xúc với FORMOSA (Vũng Áng, Hà Tĩnh) đang hủy diệt môi trường biển, tàn phá cuộc sống hàng triệu người dân 4 tỉnh miền Trung, gây bất ổn tình hình chính trị - xã hội cả một vùng rộng lớn và kéo dài, thì Dự án thép Cà Ná được trình lên Chính phủ. Các dự án thép, nhà máy thép ở Việt Nam và nhiều nhà máy nhiệt điện,... lại chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu của láng giềng, đang báo động tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ về kinh tế. 12 dự án trọng điểm quốc gia đang thua lỗ và thất bại đang cho thấy điều đó.

Điểm nổi bật qua các dự án phát triển công nghiệp thời gian qua là ngang nhiên chống lại quan điểm “đi tắt đón đầu” về kỹ thuật và công nghệ của Đảng và Nhà nước đã nêu ra cách đây gần 20 năm; ở chỗ hầu hết các nhà máy đều nhập kỹ thuật và công nghệ lạc hậu từ láng giềng. Lý do là chỉ vì lợi ích nhóm cấu kết để tham nhũng.

Về tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ: Hơn 5 năm trở lại đây, vấn đề tổ chức-cán bộ đã được báo chí và mạng xã hội khui ra nhiều vụ việc mang tính hệ thống ở các địa phương, đang ngày càng gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Một số biểu hiện: Bổ nhiệm con cháu và người nhà. Bổ nhiệm thừa so với quy định; Bổ nhiệm “siêu tốc” với những đặc ân; Bổ nhiệm trái quy định, không đúng quy hoạch...

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, tham nhũng trong các lĩnh vực trên đây cùng với tham nhũng vặt, tham nhũng bảo kê... nhìn đâu cũng thấy, ngày càng phổ biến, có sự cấu kết chặt chẽ lợi ích nhóm đang phá hỏng nền kinh tế-xã hội, làm bất ổn đời sống, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khủng hoảng xã hội, làm cạn kiệt sức mạnh quốc gia, phá hỏng niềm tin của dân đối với Đảng và Nhà nước, làm suy kiệt nguồn sức mạnh mềm, phá hỏng sức mạnh mềm quốc gia và uy hiếp sự tồn vong của chế độ xã hội.

Vũ Văn Tiến
Nhà báo Vũ Văn Tiến - Tổng biên tập Tạp chí Mặt Trận

Báo chí làm gì để chống tham nhũng hiệu quả, ít rủi ro?

PGS.TS Nguyễn Văn Dững đã đặt câu hỏi: “Chúng ta có chống được tham nhũng không? Ai chống và chống ai? Chống tham nhũng thì cần dựa vào ai?”. PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng: Chỉ có dựa vào dân mới làm trong sạch được bộ máy.

“Trong cùng một hệ thống của một đảng cầm quyền, muốn chống tham nhũng bên dưới, phải dựa vào bộ máy bên trên; muốn chống tham nhũng bên trên thì phải dựa vào bên dưới; nhưng tham nhũng và lợi ích nhóm hiện nay lại cấu kết có hệ thống từ dưới lên trên, cho nên không thể không dựa vào dân…”, PGS Dững nói.

Ngoài ra, một trong những đề nghị được PGS.TS Nguyễn Văn Dững đưa ra đó là kết nối sức mạnh báo chí và mạng xã hội để chống tham nhũng.

Trong môi trường truyền thông số hiện nay, công chúng và thị phần báo chí thu hẹp, nhưng vai trò báo chí không phải vì thế mà giảm sút. Nhưng trong môi trường ấy, muốn làm tốt vai trò của mình trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực trước yêu cầu của Đảng và Nhà nước, báo chí cần kết hợp chặt chẽ với truyền thông xã hội và mạng xã hội. Truyền thông xã hội, mạng xã hội có thể luôn thể hiện tính hai mặt của nó, nhưng kết hợp với nó bằng  thì chính danh và chuyên nghiệp, báo chí mới có thể phát huy nguồn lực, sức mạnh nơi dân để tẩy đấu tranh chống tham nhũng.

ông Dung
TS. Trần Bá Dung - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo VN

Nêu ra một trong những trở ngại của báo chí trong việc đấu tranh PCTNLP, nhà báo Vũ Văn Tiến, Tổng biên Tập tạp chí Mặt trận cho rằng, nhiều tòa soạn báo có hợp đồng bảo trợ truyền thông với nhiều tập đoàn, tổng công ty, các tỉnh, địa phương...

Do đó, khi có sự vụ tiêu cực thì nhiều báo không đưa tin hoặc có đưa thì nội dung rất nhạt nhẽo. Đây là một trong những khó khăn, “bó chân tay” phóng viên trong tác nghiệp, phát hiện  tiêu cực tham nhũng. Nhà báo Vũ Văn Tiến đề nghị các cơ quan báo chí xem xét lại.

Nhà báo Vũ Văn Tiến nêu ví dụ, vừa rồi vụ tiêu cực về bán hàng đa cấp tại Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, trong khi một số cơ quan báo chí nêu sai phạm, thì vẫn còn có tờ báo khen thiên Ngọc Minh Uy.

Có thể thấy, trong nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua, báo chí đã góp phần hỗ trợ rất lớn trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin của báo chí. Tuy nhiên, đã có không ít nhà báo cũng rơi vào vòng lao lý bởi nhiều lý do.

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, PGS.TS. Trần Văn Độ đã đưa một số lưu ý mà báo chí rất dễ vi phạm, như việc báo chí không quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án; Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;  Miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em…

PGS.TS. Trần Văn Độ cũng chỉ ra một số biểu hiện trong hoạt động báo chí liên quan tới hoạt động tư pháp cần được xem xét, trong đó có việc nhận thức về chính sách pháp luật của người viết trong định hướng dư luận thiếu chính xác…; Quan hệ của báo chí với cơ quan, người tiến hành tố tụng cũng có những vấn đề cấn xem xét…

ông Độ
PGS.TS. Trần Văn Độ

Đề xuất một số nội dung liên quan, TS. Trần Bá Dung - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị: Cần tăng cường cơ chế phối hợp báo chí chống tham nhũng, giữa Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNLP, MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan báo chí trên mặt trận đấu tranh PCTNLP, thường xuyên có nhiều cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí để trao đổi, đánh giá kết quả báo chí đấu tranh chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo các nhà báo và tạo điều kiện cho báo chí hoạt động hiệu quả; tăng cường kỹ năng tìm hiểu thông tin, viết bài điều tra chính xác, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp đối với các nhà báo. Báo chí mới chỉ tập trung vào việc phản ánh, chứ chưa thực sự tập trung vào việc giám sát, phát hiện, phanh phui các vụ việc tham nhũng, vì khó khăn khi tiếp cận thông tin.

Theo TS.Trần Bá Dung, về pháp lý, không có văn bản, quy định nào hạn chế, cản trở thực thi việc báo chí đấu tranh PCTNLP. Nhưng việc phát huy quyền này đến đâu còn phụ thuộc năng lực, trình độ của nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Nhà báo đôi khi chưa phát huy hết quyền của mình trong quá trình điều tra, tiếp cận thông tin.

Luật Tố cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 11/11/2011 đã nêu rõ cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin tài liệu đó theo quy định của pháp luật, trường hợp không cung cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tuy nhiên thực tế lại không hẳn như vậy.

Theo quy định trên, khi được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến tham nhũng thì cơ quan, tổ chức được yêu cầu không được từ chối việc cung cấp. Cơ quan báo chí, phóng viên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đưa tin không trung thực, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 3 năm qua, MTTQ VN đã triển khai các chương trình giám sát, phản biện. Mặt trận đã giám sát nhiều vấn đề nhân dân quan tâm nhưng cái khó của Mặt trận là giám sát nhưng không chế tài vì chế tài sẽ thuộc về cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan Đảng.

 “Vậy giám sát nhưng không chế tài có làm được không?”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề.

Chủ tịch Nguyễn thiện Nhân cho rằng, báo chí có vai trò quan trọng trong việc phát hiện các điển hình, tấm gương tốt, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nhưng những phát hiện của báo chí vẫn chưa thực sự có chế tài.

Do đó, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, MTTQ cùng phối hợp với báo chí để những vấn đề báo chí nêu phải chuyển thành hành động của Đảng, chính quyền để chế tài những sai phạm này.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã nêu ra được rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Trong việc phát hiện này thì phóng viên giữ vai trò gì? Có lúc có phải là điều tra viên không? Nếu có thì các phóng viên phải được hỗ trợ về nghiệp vụ và phải hiểu sâu, nghiên cứu sâu về nghiệp vụ thu thập thông tin, được các văn bản pháp luật hỗ trợ về vấn đề này…

Đinh Bách (ảnh:Thành Trung)


Ý kiến bạn đọc