(VnMedia) - Chiều 3/4/2015, cùng với Diva Mỹ Linh và ca sĩ Dương Hoàng Yến, nhà báo Mạnh Hà (Báo Tiền phong) đã có buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Báo điện tử VnMedia xung quanh chủ đề “Truyền hình thực tế từ góc nhìn khán giả”.
>> Truyền hình thực tế cần một cuộc “gạn đục, khơi trong”!
>> Thí sinh nườm nượp thi tuyển Giọng hát Việt nhí 2015
>> Gala Bước nhảy hoàn vũ đã sẵn sàng cho cuộc tranh tài đỉnh cao
Với kinh nghiệm trên 10 năm theo dõi mảng Văn hóa Giải trí của mình, nhà báo Mạnh Hà đã có những chia sẻ rất cụ thể và hấp dẫn về cái được và chưa được, cái còn thiếu trong sự hội nhập văn hóa của những chương trình truyền hình thực tế phiên bản nước ngoài khi đổ bộ vào Việt Nam.
Bao quát về đời sống của làng giải trí Việt nhiều năm qua, nhất là khi có sự đổ bộ của nhiều show truyền hình thực tế vào Việt Nam, nhà báo Mạnh Hà nhận xét: "Những năm qua bắt đầu manh nha hình thành ngành công nghiệp giải trí ở Việt Nam. Đôi khi nó tách biệt với đời sống nghệ thuật, đánh lạc hướng khán giả khiến họ chạy theo những giá trị bề nổi mang tính thời trang. Tôi nghĩ khán giả nên khó tính hơn nữa để tìm cho mình món ăn giải trí thực sự tác động tích cực đến đời sống tinh thần.
Lãnh đạo Báo VnMedia tặng hoa cho ba khách mời giao lưu trực tuyến: Nhà báo Mạnh Hà (ngoài cùng bên trái), diva Mỹ Linh và ca sĩ Dương Hoàng Yến
Việc xuất hiện nhiều chương trình truyền hình thực tế cũng có tác dụng đẩy nhanh sự phát triển của công nghiệp giải trí, tạo nhiều cơ hội cho các nghệ sỹ thể hiện trước công chúng, đồng nghĩa với việc họ ít có thời gian đầu tư cho sự sáng tạo nghệ thuật cá nhân. Truyền hình thực tế cũng lấy mất đất của các chương trình biểu diễn trên sân khấu nhà hát. Bởi chỉ có trên sân khấu này khán giả mới được tiếp xúc với nghệ thuật trực tiếp và nuôi dưỡng đam mê sáng tạo của nghệ sỹ".
Theo nhà báo Mạnh Hà, sự "tấn công" ồ ạt của các phiên bản gameshow truyền hình thực tế vào Việt Nam đã có những tác động rõ nét đối với thị hiếu nghe nhìn của công chúng Việt. Điều đầu tiên là khán giả đại trà được tiếp cận với thực đơn giải trí phong phú hơn. Nhưng có một vấn đề, format nước ngoài cũng sẽ truyển tải nội dung văn hóa nước ngoài dẫn đến việc ở các bản làng xa xôi người dân cũng biết đến những bài hát tiếng Anh nào đang thịnh hành qua truyền hình thực tế. Cho nên, truyền hình thực tế theo format nước ngoài tiềm ẩm một nguy cơ xói mòn văn hóa truyền thống.
Theo anh, các cơ quan chức năng cần phải nghĩ đến việc sản xuất những chương trình truyền hình thực tế phù hợp với văn hóa Việt Nam hơn nữa, nếu không muốn bỏ ngỏ địa bàn này cho nước ngoài thao túng. Nhà báo Mạnh Hà cũng cho rằng: "Nhiều khi truyền hình thực tế của mình đi hơi quá xa. Ví dụ như năm Yasuy lên ngôi, chàng ca sĩ này không hề thuyết phục chút nào trước giọng ca đầy nội lực của Hoàng Quyên. Nhưng khán giả bình chọn thế, chương trình buộc phải tôn trọng kết quả. Nhưng tôi nghĩ cách làm quá của nhà sản xuất, nhấn mạnh đời tư của Ya Suy khiến chàng trai này lại được lòng fan hâm mộ. Nếu tìm tài năng kiểu này, thì thật là phí hoài chương trình lớn".
Vì kết quả chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào bình chọn của khán giả nên Yasuy (phải) đã chiến thắng trước giọng ca điêu luyện và đầy nội lực của Hoàng Quyên ở Vietnam Idol 2012
Đánh giá về chất lượng các chương trình truyền hình thực tế hiện nay, nhà báo Mạnh Hà nhận xét: " Truyền hình thực tế có hai đơn vị lớn là BHD và Cát Tiên Sa, sau 10 năm trở lại đây, họ làm càng ngày càng có kinh nghiệm. Cái thu hút người xem nhất là âm thanh, sân khấu càng ngày càng tiến bộ. Những chương trình của Cát Tiên Sa hay thiên về bề nổi, có tính chất hơi thị trường, thời thượng, bên BHD họ làm điềm đạm hơn. Về chất lượng là vậy, nhưng cái khiến cho khán giả đánh giá chương trình là kết quả.
Nhiều khi mang danh là truyền hình thực tế nhưng có sự dàn xếp của Ban tổ chức. Nếu một chương trình mua bán được sẽ đánh mất niềm tin trong khán giả. Đây là một lĩnh vực hấp dẫn về quảng cáo nên thu hút các đơn vị tổ chức, vì vậy có quá nhiều chương trình tương đối giống nhau về nội dung diễn ra cùng một lúc khiến cho chương trình truyền hình thực tế đang trở nên nhàm chán.
Bất cứ format nào cũng có một tuổi thọ nhất định nên đòi hỏi chương trình nào cũng phải có sự thay đổi hoặc format mới hấp dẫn khán giả và sau đó phải nghĩ ra một cái gì đó mới hơn. Đôi khi truyền hình thực tế còn có dấu hiệu quảng cáo trá hình (lách luật) và khán giả đang phải xem quảng cáo bị động. Với tư cách khán giả, tôi mong cho những chương trình truyền hình thực sự là thực tế (đảm bảo tính khách quan) và sạch về mặt quảng cáo".
Việc trẻ con hát bài người lớn ở sân chơi The Voice Kids cũng vấp phải những ý kiến phản đối của khán giả
Trước ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của hàng loạt chương trình phiên bản nhí như “The Voice Kids”, “Gương mặt thân quen nhí” hay “Bước nhảy Hoàn Vũ nhí”,… bên cạnh việc nâng cánh để phát triển tài năng thì cũng khiến các em bị rơi vào guồng quay giải trí quá sớm, ảnh hưởng đến việc học tập và tâm lý tuổi mới lớn, nhà báo Mạnh Hà bày tỏ: "Những chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của tài năng thiếu nhi luôn thu hút sự chú ý của khán giả nhưng dường như sau mỗi cuộc thi rất ít em có khả năng ngay lập tức có thể lên sân khấu biểu diễn như nghệ sỹ chuyên nghiệp. Những chương trình truyền hình thực tế sử dụng thí sinh ít tuổi cần được sự giám sát chặt chẽ hơn nữa vì trẻ em luôn là những đối tượng dễ bị tổn thương.
Đôi khi chính sự quan tâm thái quá của khán giả khiến các thí sinh ít tuổi cũng chịu áp lực quá sức. Tôi nghĩ là phụ huynh của các em nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho con em mình tham gia chương trình truyền hình thực tế. Phát triển năng khiếu cho trẻ em bằng con đường giáo dục vừa chơi, vừa học tôi nghĩ là lâu bền hơn"...
Ý kiến bạn đọc