Tự Long hé lộ những vấp váp tại “Ơn giời! Cậu đây rồi”

08:52, 26/12/2014
|

(VnMedia)  - Mất thời gian thích nghi nhiều hơn so với các nghệ sỹ phía Nam, nghệ sỹ Tự Long bày tỏ, anh cũng như nhiều diễn viên phía Bắc mắc bệnh thiếu "giản đơn" khi vào một tình huống.

  >>> Làm giám khảo có phải là "nghề' ôm bom?
>>> Trương Ngọc Ánh: Không ai mua chuộc được tôi
>>> NSƯT Hồng Vân: Phải lượng sức mình khi ngồi ghế nóng

Dù không phải là trưởng phòng có tần suất xuất hiện nhiều tại "Ơn giời! Cậu đây rồi" nhưng nghệ sỹ Tự Long là một trong số ít danh hài phía Bắc góp mặt trong chương trình. Chương trình hài xây dựng kiểu truyền hình thực tế được mua bản quyền nước ngoài có được sự ủng hộ nhiệt tình của số đông khán giả khi nó làm thay đổi táo bạo bộ mặt các chương trình hài đang nhàm và nhạt hiện nay. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng các nghệ sỹ phía Bắc có vẻ bị "khớp" khi vào format và chê chương trình hài nhảm. Hãy lắng nghe nghệ sỹ Tự Long chia sẻ về câu chuyện này.

  Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

  Tự Long có nhiều ngón đòn thử thách các người chơi


- Là một trưởng phòng khó tính, anh nghĩ sao khi không ít ý kiến bày tỏ format “Ơn giời! Cậu đây rồi” có vẻ hài nhảm?

Chương trình này hoàn toàn theo format nước ngoài, nó hay ở chỗ là không có kịch bản. Chương trình mang tính chất thổi luồng sinh khí mới vào sự hưởng thụ của khán giả vào dòng chảy sân khấu. Có hai vấn đề là có những số làm rất hay, có những số không hay được, vì mọi thứ diễn ra đều không được chuẩn bị trước mà hoàn toàn ngẫu hứng và tương tác. Mọi thứ đều ngoài tầm kiểm soát mà chỉ có người hợp tình huống đó chắc chắn sẽ làm tốt.

Cái khó với người Việt Nam là khi xem gì cũng phải có tính giải trí cao, có tính thẩm mỹ, phần nào đó mang tính giáo dục. Đòi hỏi những vấn đề đó rất khó ở “Ơn giời”. Khi làm chương trình, chúng tôi chỉ muốn làm sinh khí mới, khi vui vẻ thì có nhiều cách thưởng thức sự vui vẻ đó. Với tính chất tương tác giữa khán giả, diễn viên, giám khảo nên việc đòi hỏi sự hoàn mỹ ở những chương trình thế này rất khó.

- Ở Format này, có vẻ như các diễn viên, kể cả trưởng phòng và người chơi phía Bắc đều có phần hơi “khớp” khi vào tình huống. Anh có thấy như vậy?

Với phong cách làm format này thì các nghệ sĩ miền Nam thích hợp nhanh hơn, giản đơn hơn về cách làm. Chúng tôi quen khi diễn gì phải có mở đầu, kết thúc và thân bài nhưng đôi khi những chương trình đó không cần phải giải trình, suy ngẫm mà họ vào tình huống ngay. Có lẽ cách làm ở trong đó dễ tương thích với fomat đó hơn nên các diễn viên ngoài Bắc kể cả khách mời hay trưởng phòng muốn làm hay phải có thời gian thích nghi với nó.

  Ảnh minh họa

  Có nhiều tình huống mà trưởng phòng cũng khó lường được khi khách mời không cởi mở trong tình huống


- Anh có thể hé lộ về hậu trường chương trình?

Kỷ niệm thì nhiều, hậu trường cũng nhiều. Có rất nhiều tình huống ngoài tầm kiểm soát. Nếu trưởng phòng lão luyện sẽ dẫn dắt người chơi sang hướng khác thì câu chuyện dễ gần hơn.

Khi xem các bạn sẽ thấy có nhiều đoạn không ăn khớp với nhau lắm vì phải cắt đi nhiều khi khách mời cứ “đóng cửa” khó để trưởng phòng tạo tình huống. Có thể điều đó làm cho người xem hơi bất ngờ và không thoải mái lắm khi những câu dẫn dắt tình huống chưa hoàn toàn ăn nhập.

Vì thế, việc người chơi có thích nghi với người chơi hay không rất quan trọng. Giống như việc bạn vào gặp chủ nhà,họ vui vẻ thoải mái thì người khách thích thú, sẽ tăng sự kích thích thì nói chuyện sẽ hay. Nhưng nếu ông chủ nhà và người khách đóng cửa tâm hồn sớm, không rộng mở thì khó nói chuyện.

- Ai khiến anh “choáng” nhất ở format tương tác hấp dẫn này?

Với tôi, Việt Hương là một người phải nể phục. Ở trong nghề, mọi người gọi Việt Hương là diễn rất “mả”. Đó là một nghệ sỹ có nhiều mảng miếng để gài các người chơi. Đấy là một diễn viên rất xuất sắc.

- Trong khi sân khấu chật vật tìm đường sống, sân khấu hài cũng nhạt dần vì kịch bản đuối thì sự có mặt của “Ơn giời” có phải là một nhân tố đáng để mừng vui?

Cái mới có nhiều cái để nói, với tôi cái mới nên khuyến khích. Tuy nhiên, vì mới nên nó còn phải đi tìm cách thích nghi, nó phải tìm ra quy luật hoặc đi lên hoặc bị đào thải. Tôi nghĩ “Ơn giời” là một nhân tố mới nên chăng cần được khuyến khích, tiếp sức mạnh cho nó chạy tốt, sau nó tồn tại hình thức nào sẽ bàn sau. Trong lúc nền sân khấu đang chật vật như thế này nên cổ vũ cho nhân tố mới, chúng ta đừng phán xét nó vội mà nên tiếp thêm sức mạnh cho nó chạy đã.

- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng “Ơn giời” không hẳn là sân chơi thích hợp với nghệ sĩ phía Bắc?

So với các nghệ sĩ, trong cảm nhận riêng tôi thì ở miền Nam làm việc hăng say và họ quen với cung cách làm việc như vậy

Tôi nghĩ các nghệ sĩ hài phía Bắc cơ bản là thích hợp. Cũng giống như không phải nghệ sĩ nào cũng đi dẫn chương trình được. Có nghệ sĩ hài diễn hay nhưng khả năng nói, giao tiếp thông thường có phần hơi kín tiếng. Tôi nghĩ với những nhân tố mới thế này, các nghệ sĩ phía Bắc khi tiếp cận cái mới phải cần có thời gian để họ thích nghi.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!


Lam Trần

Ý kiến bạn đọc