Phim video và dấu ấn một thời hoàng kim

12:08, 28/03/2013
|

(VnMedia) - Với điều kiện làm phim nhanh hơn và kinh phí làm phim ít hơn, phim video đã ra đời ồ ạt trong những năm cuối 1980 – đầu 1990. Với việc được chiếu màn ảnh rộng như phim truyện nhựa, phim video đã tạo nên một thị trường điện ảnh sôi động với doanh thu chiếu bóng kỷ lục.

>> Phim video – Một chặng đường của điện ảnh Việt

Khán giả điện ảnh đều biết phim truyện nhựa đầu tiên của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam là Chung một dòng sông (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi - Phạm Kỳ Nam). Lịch sử cũng ghi nhận phim hoạt hình đầu tiên là Đáng đời thằng cáo (đạo diễn Trương Qua). Hay đạo diễn Mai Lộc được lưu danh nhà làm phim tiên phong của điện ảnh tài liệu.

Trong khi đó, đến nay hình như vẫn chưa có tài liệu nào công bố bộ phim video đầu tiên là phim nào, của nhà nước hay tư nhân. Cũng như việc, đến nay, lịch sử điện ảnh vẫn chưa xác định và ghi danh bộ phim tư nhân đầu tiên của nền điện ảnh.

Điều này là hơi thiếu sót khi mà, thể loại phim video và loại hình phim tư nhân đã lưu dấu bằng một thời kỳ phát triển ấn tượng, trong một giai đoạn lịch sử biến động của điện ảnh nước nhà.

Cứu cánh của nền điện ảnh một thời

Phim video đã ra đời rất đúng lúc, và kịp thời. Và có thể nói đã là cứu cánh của nền điện ảnh trong giai đoạn bản lề đó.

Nếu không tính miền Bắc những năm trước 1954, và miền Nam những năm trước 1975, thì điện ảnh ở Việt Nam trước khi xóa bỏ bao cấp có thể nói là đặc quyền của nhà nước. Từ sở hữu máy móc thiết bị đến quyền và cơ hội được làm phim.

Ảnh minh họa

Mộng Vân và Công Hậu trong Lửa cháy thành Đại La - một phim dã sử nổi tiếng lúc đó


Các hãng phim của nhà nước được bao cấp từ đầu vào đến đầu ra, nghĩa là được phân đất đai trụ sở, máy móc thiết bị, quỹ lương, được rót kinh phí làm phim, được lo phát hành, chiếu bóng.

Những người làm phim, về cơ bản là có nhiệm vụ tập trung làm phim, tất nhiên cũng có áp lực làm hay, làm hút khách, nhưng độ chịu trách nhiệm thì có lẽ ít hơn giai đoạn thương trường sau này. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng trước hết là làm sao để trở thành người trong bộ máy ấy, để từ đó mới có cơ hội được làm phim. Ngay cả khi đã vào biên chế các hãng phim nhà nước, cơ hội cũng không phải rộng mở và đồng đều.

Trong bối cảnh khép kín về quy trình sản xuất – phát hành và hạn chế về cơ hội được làm phim thì sự ra đời của phim video (với chi phí ít tốn kém hơn) cũng như sự xuất hiện tự phát của các cá nhân, đơn vị ngoài quốc doanh là một giải pháp tích cực cho nền điện ảnh đang rời bao cấp lúc ấy.

tạo thêm cơ hội cho người làm phim trong nhà nước (thể hiện trình độ hoặc kiếm kế sinh nhai) và những người có khả năng làm phim mà lúc trước hoàn toàn ở ngoài khu vực được phép làm phim này.

Ra đời cuối thập niên 1980, chỉ đôi ba năm sau, thể loại phim video đã gần như thống lĩnh thị trường điện ảnh. Tốc độ phát triển và đặc biệt là ảnh hưởng của nó mạnh mẽ hơn nhiều phong trào phim độc lập và hiện tượng bội thực “nhà làm phim độc lập” bây giờ.

Thời cực thịnh của điện ảnh thương mại

Với hình thức tác phẩm như phim truyện nhựa, phim video khi đó đã được mang chiếu rạp. Trong thực tế, các rạp chiếu bóng sinh ra để chiếu các tác phẩm điện ảnh với những tiêu chuẩn về chất lượng kỹ thuật tương ứng. Trong khi đó, phim video thông thường có chất lượng (kỹ thuật) thấp hơn, để dành cho việc chiếu ở màn ảnh nhỏ.

Ảnh minh họa

Sau những giấc mơ hồng - bộ phim tâm lý, tình cảm có doanh thu "khủng" năm 1992


Thế nhưng, ở giai đoạn những năm cuối thập kỷ 1980, đầu thập niên 1990, hệ thống chiếu bóng của nhà nước bị đình trệ, đặc biệt là những rạp chiếu ở các tỉnh lẻ rơi vào tình trạng tê liệt, đóng cửa hoặc cho thuê để kinh doanh các lĩnh vực khác. Phim ảnh có một dạo không thu hút được khán giả. Lúc này, nhiều chủ rạp quay ra chiếu phim video, bằng việc đơn giản là mang đầu video, băng phim video và chiếu phóng lên màn hình lớn tại rạp. Ban đầu là các phim video nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, Hồng Kông, sau đó khi Việt Nam tự sản xuất phim video thì bắt đầu một giai đoạn hoàng kim của thể loại phim này.

Điện ảnh Việt những năm gần đây đang có hiện tượng phấn khởi từ doanh thu chiếu bóng, với những con số đầy cảm hứng, từ Cô dâu đại chiến hơn 37 tỷ đồng, Long ruồi 42 tỷ đồng (2011) đến Mỹ nhân kế 57 tỷ đồng, Nhà có 5 nàng tiên hơn 52 tỷ đồng (năm 2013)…

Đây được coi là những sự phá kỷ lục doanh thu của phim Việt trong lịch sử, tuy nhiên chưa hề ép – phê gì so với những con số doanh thu phim Việt thời đầu thập niên 1990. Bởi, trên thực tế, giá trị những con số này phải được nhìn theo cách tính: Giá trị tiền (ví dụ quy ra vàng) ở thời điểm chiếu phim hay tỷ lệ lợi nhuận so với kinh phí đầu tư.

Theo công bố của các nhà sản xuất, kinh phí của Mỹ nhân kế là 15 tỷ, Nhà có 5 nàng tiên là 8 tỷ. Như vậy, doanh thu đang là gấp 4 lần (với Mỹ nhân) hay gấp 6,5 lần (với Nàng tiên) vẫn kém ấn tượng so với nhiều hiện tượng doanh thu đầu thập niên 1990. Ví dụ, phim Sau những giấc mơ hồng (có Lý Hùng và Thu Hà) có kinh phí 300 triệu đồng và doanh thu chiếu bóng 3 tỷ đồng, chưa kể việc phát hành băng video sau đó.

(Còn tiếp)


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc