Hệ thống chùa thờ Tứ Pháp ở Thuận Thành, Bắc Ninh được hình thành từ thế kỷ thứ II. Điều này không chỉ khẳng định Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm mà còn minh chứng cho sự hòa nhập hay hỗn dung giữa tín ngưỡng dân gian và đạo Phật. Hệ thống chùa thờ Tứ Pháp gồm 5 di tích nhưng đến nay mới chỉ có 2 di tích được xếp hạng, tu bổ; còn lại, đang bị xuống cấp, thậm chí xuống cấp trầm trọng.
Truyền thuyết kể rằng, Man Nương đẹp người, đẹp nết là con gái ông bà Tu Định ở làng Mãn Xá. Năm 12 tuổi, Man Nương được cha mẹ gửi vào chùa Linh Quang, thụ giáo nhà sư Khâu Đà La. Man Nương ở chùa đã mấy năm nhưng nói năng chậm chạp, không cùng mọi người tụng kinh được nên thường xuống phía sau giã gạo, nấu cơm phục vụ sư sãi trong chùa. Đêm nọ, sau khi chuẩn bị xong món ăn mà các sư vẫn tụng kinh, nàng ngồi chờ ngủ quên lúc nào không hay. Khi sư sãi tụng kinh xong, Sư Khâu Đà La không ngờ nàng nằm đó đã vô tình bước qua người. Từ đó Man Nương thụ thai, 14 tháng sau sinh hạ một bé gái. Nghe lời cha, nàng ôm con sang chùa trả cho sư Khâu Đà La. Sư mang tiểu nhi đến trước cây dung thụ già (cây đa) gõ vào cây và đọc kệ. Cây bỗng nứt toác ra, ông đặt tiểu nhi vào và nói: Ta gửi con của Phật cho ngươi giữ lấy, rồi sẽ thành danh Phật đạo. Dứt lời, cây khép lại, cành lá vẫn sum suê nhưng có thêm mùi hương thơm ngát. Sau đó sư Khâu Đà La trở về Tây Trúc.
Vào năm Giáp Tý, khi Man Nương đã ngoài tám mươi tuổi, trời làm một trận bão táp, phong ba khủng khiếp. Cây dung thụ bị bão đánh đổ trôi về sông Dâu, đến trước cửa chùa thì quẩn lại không trôi nữa. Dân làng tranh nhau chặt củi nhưng rìu, búa bổ vào đều mẻ hết. Ba trăm tráng niên trong làng rủ nhau hợp lực kéo nhưng cây vẫn không chuyển. Vừa lúc Man Nương ra bến rửa tay, cây bỗng rập rình như con mừng thấy mẹ. Mọi người kinh ngạc, bảo Man Nương kéo cây lên bờ. Man Nương ném dải yếm ra nói: Có phải con mẹ thì về đây với mẹ. Lập tức cây dung thụ như có người lôi, lao thẳng lên bờ. Lại nói đêm hôm trước quan thái thú Sỹ Nhiếp mộng thấy Phật báo phải tạc cây dung thụ thành Tứ Pháp, thấy Man Nương kéo được cây lên bờ thì cho là sự linh ứng, bèn cho mời thợ đến tạc tượng.
Tốp thợ họ Đào chia cây thành bốn khúc, tạc thành bốn pho tượng. Khi làm lễ đặt tên cho pho thứ nhất thấy mây ngũ sắc tường vân nên gọi là Pháp Vân thờ ở chùa Thiền Định Diên Ứng (Dâu); đến pho thứ hai thấy mưa, gọi là Pháp Vũ, thờ ở chùa Thành Đạo (Đậu); sang pho thứ ba thấy sấm, gọi là Pháp Lôi, thờ ở chùa Phi Tương (Tướng), tới pho tượng cuối cùng thấy chớp, gọi là Pháp Điện, thờ ở chùa Phương Quan (Dàn). Tứ Pháp rất linh ứng, luôn giúp dân làm mưa thuận gió hòa. Man Nương mất được tôn làm Phật mẫu, xá lị gói chôn trong chùa Tổ (Mãn Xá). Hàng năm đến ngày mồng 8.4, dân trong vùng lại mở hội dâu để tưởng nhớ Man Nương và Tứ Pháp.
Theo thông tin từ Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, trong hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp tại huyện Thuận Thành, mới có hai chùa được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia là chùa Dâu (xếp hạng năm 1962) và chùa Tổ (xếp hạng năm 2001). Suốt nhiều năm liền, các di tích còn lại không được cơ quan chức năng xem xét, xếp hạng, tu bổ. Gần đây, chùa Dàn, chùa Tướng mới được ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh hoàn thành việc lập hồ sơ đề xuất các cơ quan chức năng xem xét công nhận là di tích lịch sử văn hóa, cấp quốc gia. Riêng chùa Đậu đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, pho tượng Pháp Vũ được đem về thờ chung trong chùa Dâu. Sau này, chùa đã được dựng lại trên nền xưa, đất cũ nhưng quy trình dựng không đáp ứng các tiêu chí của Luật Di sản văn hóa.
Ngoài chùa Dâu từng được trùng tu nhiều lần, thì chùa Tổ, chùa Dàn, chùa Tướng đều trong tình trạng xuống cấp, trong đó chùa Tướng xuống cấp trầm trọng. Khảo sát thực tế của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ ngày 22.3 vừa qua tại chùa Tướng cho thấy, nhiều hạng mục của chùa đã bị phá hủy từ thời chiến tranh. Toàn bộ kiến trúc tam bảo nay chỉ còn phần thượng điện, nhưng hạng mục này cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào: mối mọt làm sụt một phần mái, mưa dột làm bong tróc tượng Phật…
Hệ thống chùa thờ Tứ Pháp ở Thuận Thành không chỉ có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử Phật giáo, mà song hành với nó là chiều sâu văn hóa Việt ẩn tàng trong từng mái chùa rêu phong, trong mỗi pho tượng cổ và trong lễ hội dân gian... Bảo tồn, phát huy những giá trị của hệ thống chùa thờ Tứ Pháp chính là gìn giữ phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng vùng Kinh Bắc.
Ý kiến bạn đọc