(VnMedia) - Một Thiên mệnh anh hùng hoành tráng và chuyên nghiệp, một Đó hay đây tư duy và chiêm nghiệm, một Chạm rung cảm và nhân văn, một Lấy chồng người ta tự tin và quyết liệt, một Scandal thông minh và sắc sảo, và một Mùa hè lạnh tinh tế và sâu sắc.
>> Những bộ phim nhiều dấu ấn nhất năm 2011
>> Trái ngược 2 bộ phim gây tranh luận nhất 2011
>> 2012: Năm thăng hạng đáng kể của điện ảnh Việt
Điện ảnh Việt 2012 đã có những tác phẩm thực sự chất lượng, thể hiện sự tiến bộ trong cả trình độ làm phim lẫn cho thấy yếu tố “tác giả” của các đạo diễn.
Nếu trong Cánh diều Vàng – Oscar của điện ảnh Việt hàng năm thường là những cuộc đấu tay đôi (vì ít tác phẩm chất lượng) thì năm nay ở khu vực chiếu trên cùng có tới 5-6 tác phẩm xứng đáng lưu tâm. Cùng điểm danh những tác phẩm chất lượng nhất của điện ảnh Việt năm qua.
Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ – Phương Nam, Saiga và Thanh niên Films sản xuất)
Bối cảnh nên thơ và hùng vĩ đầy nịnh mắt, những màn hành động và kỹ xảo khá ấn tượng, yếu tố cung đình đủ hấp dẫn và thuyết phục… trong Thiên mệnh anh hùng ở mức độ chuyên nghiệp mà ít phim lịch sử, cổ trang của Việt Nam làm được.
Dựa trên tiểu thuyết Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn (vốn phóng tác từ một ghi chú trong lịch sử về sự tồn tại của hậu duệ duy nhất của Nguyễn Trãi sau án chu di), Thiên mệnh anh hùng đã đi trên 2 dây vừa lịch sử vừa dã sử.
Chuyện phim nghiêm túc, thực hiện công phu, cảnh quay mãn nhãn, diễn viên đóng ổn, hóa trang, phục trang, thiết kế mỹ thuật, hành động, âm thanh đều chuyên nghiệp… nhưng nhìn chung tác phẩm dừng ở mức tròn đẹp vừa phải.
Yếu tố kiếm hiệp kỳ tình đã làm nhẹ đi chất sử thi đáng có. (Yếu tố giả tưởng ở những phân cảnh của Khương Ngọc bị nhiều khán giả chê lạc quẻ nhưng chính lại là một pha trộn thú vị). Cũng có thể thấy Victor Vũ đã gửi gắm tương đối suy tư trong Tuyên từ Hoàng Thái Hậu, trong Nguyên Vũ, trong bóng ma Nguyễn Trãi… nhưng tầm tư duy vẫn khá thật thà và nhân vật của họ vẫn khí đơn giản, và chưa đủ Hay.
Về cơ bản, phim không có khám phá, sáng tạo gì về cấu trúc, thủ pháp, ngôn ngữ điện ảnh hay dấu ấn đáng kể nào trong quay phim, dựng phim, nhân vật (trừ chút ấn tượng ở nhân vật Trần Tướng Quân chủ yếu do tạo hình). Về nội dung, chuyện phim tầm tầm (chưa kể là motif nhân vật và rất nhiều tình huống quá quen thuộc, lối mòn) và vẫn thiếu một sức nặng nào đó để có thể trở thành tác phẩm “sống được lâu dài”.
Đạo diễn Victor Vũ tại buổi chiếu ra mắt Thiên mệnh anh hùng tại Hà Nội hồi Tết 2012 |
So với Khát vọng Thăng Long (đoạn kết hơi yếu) thì Thiên mệnh anh hùng vẫn ở level thấp hơn. Và với người khó tính thì có thể vẫn chỉ là phim giải trí hạng sang. Dù vậy, trong mặt bằng phim Việt đây vẫn là một tác phẩm khá tốt, thậm chí xét về tổng thể nhỉnh hơn 2-3 phim đoạt Cánh diều Vàng khác trong lịch sử giải thưởng này.
Tuy nhiên, đặt trong năm nay, với sự đạt tầm đáng kể cả về trình độ và chất lượng ở nhiều tác phẩm phim, Thiên mệnh anh hùng thành ra chỉ đứng ở cuối bảng đề cử “Oscar Việt”.
Đó hay đây (Síu Phạm – HK Films sản xuất)
Here or there (Đó hay đây) là phim truyện điện ảnh đầu tay của Síu Phạm - một Việt kiều Thụy Sĩ hơn 60 tuổi, dù rằng trước đó bà đã thực hiện vài phim tài liệu và tham gia điện ảnh ở một số vai trò khác. Ngồi xem ending credits của Mùa hè lạnh còn thấy tên bà xuất hiện ở chức danh Script Editor (Biên tập kịch bản).
Bộ phim về một cặp chồng Tây vợ Việt ở nước ngoài lâu năm trở về Việt Nam sống tại một ngôi nhà nhỏ ở một làng ven biển. Người chồng chưa thể tìm thấy sự gần gũi với nét sinh hoạt và sự tín ngưỡng với văn hóa Việt, và cuộc sống riêng tư của họ cũng ở một trạng thái… không còn trẻ.
Người chồng nhờ một ông bạn Việt Nam đưa đến một tiệm mát-xa. Tuy nhiên, ông chọn cô gái phục vụ không phải để làm bất kỳ điều gì khác ngoài mượn cơ thể thanh xuân của cô để ghi lại hình ảnh tượng trưng cho người vợ. Đâu đó phía sau cuộc sống tình cảm đơn điệu của họ vẫn là những rất yêu thương theo cách riêng biệt.
Ông cũng xin đi theo một đoàn thuyền đánh cá ra khơi, thả mình vào biển với đủ suy tưởng, từ sáng đến chiều, rồi như mất tích trong đêm. Phim khá thách thức người xem ở những yếu tố không rõ ràng giữa thực và ảo, mà chiếu theo cách xem của đại bộ phận khán giả có thể được coi là vô lý, kỳ quái, như bữa tiệc cuối phim với sự hiện diện chung bàn của tất cả những nhân vật trong phim, quen nhau và không, cả người sống và người chết…
Đạo diễn Síu Phạm |
Đó hay đây mang đầy tính cá nhân của tác giả, với nhu cầu thể hiện những suy nghĩ, trải nghiệm riêng hơn cả là việc chia sẻ chúng. (Vì thế, hoặc gặp quan tâm hoặc gặp thờ ơ tùy đối tượng thưởng thức, mà việc hồi đầu năm không được BGK Cánh diều Vàng 2012 lưu ý chút nào là một ví dụ).
Đây là một tác phẩm độc lập kinh phí rất thấp, với bối cảnh hết sức đơn giản và hạn chế, cùng toàn bộ diễn viên nghiệp dư (trừ đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn tham gia một vai phụ). Thực sự kén khán giả, phim hiện mới chỉ chiếu trong một số buổi chiếu giao lưu tại các trung tâm văn hóa.
Ngoài mới mẻ trong phong cách, phim còn mang đến những khoảnh khắc thú vị với một số góc máy độc đáo của nhà quay phim Trinh Hoan. Phim mở rộng biên độ của thói quen thưởng thức cũng như biên độ của sự tư duy và chiêm nghiệm.
Chạm (Nguyễn Đức Minh – phim hải ngoại, Gaylaxy phát hành)
Touch (Chạm) là một sự trình làng thành công của nhà làm phim trẻ Việt kiều sinh năm 1978 Nguyễn Đức Minh, với khán giả Việt. Là bộ phim đầu tay của anh, Touch đã dành giải ở một số liên hoan phim quốc tế nhỏ tại Mỹ, trong đó có giải Khán giả của Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế VIFF – giải thưởng định kỳ của các nhà làm phim Việt ở hải ngoại.
Một bộ phim độc lập đúng nghĩa – nhỏ và đẹp. Hầu như tất cả các bối cảnh trong phim đều là cảnh nội (một tiệm nail, một tiệm ăn, và những ngôi nhà nhỏ của các nhân vật: cô thợ nail Tâm, bố Tâm và vợ chồng anh thợ máy Branden).
Chỉ bằng ngần ấy không gian, với lượng nhân vật cũng ít ỏi tương ứng, phim đã kể những câu chuyện cá nhân rất touchable (rung cảm) như đúng cái tên của nó.
Tâm đến xin việc ở một tiệm nail và khách hàng đầu tiên của cô là một ca đặc biệt: một người đàn ông có nhu cầu tẩy sạch đôi tay đầy vết dầu mỡ. Mặc cảm từ công việc thợ máy khiến người vợ trí thức dần lãnh cảm, anh hy vọng đây có thể là cách cứu vãn cuộc hôn nhân của mình. Những tư vấn và cả những động chạm từ Tâm khơi dậy trong anh sự tự tin và chủ động trong mối quan hệ gia đình.
Còn Tâm, những giao lưu và Tiếp xúc với anh khiến cuộc sống cô đơn và nhiều tâm sự của cô ấm áp hơn, nhưng cũng là chất xúc tác để cô hiểu mình hơn và tìm thấy sự hoá giải cô đơn đầy dịu dàng và sẵn sàng bao dung từ một anh kỹ sư công nghệ người Việt vẻ tưởng đơn giản và ngố Tàu.
Đạo diễn Nguyễn Đức Minh trong chuyến về Việt Nam ra mắt Chạm hồi tháng 3 |
Bên cạnh chất diễm tình duyên dáng và quyến rũ, Touch còn đầy rung cảm ở những mối quan hệ gia đình. Là những ký ức ấm áp của Tâm về sự đụng chạm với người mẹ từ thời thơ bé, là những nỗ lực của cô để làm dịu sự khắc kỷ trong người cha trầm cảm luôn đeo theo nỗi dằn vặt vì sự ra đi của vợ… đều thể hiện bằng những ngôn ngữ hình ảnh hết sức kiệm lời.
Diễn xuất nhẹ nhàng, đời và thật của dàn diễn viên cùng những cảnh quay duy mỹ và duy cảm, trong đó có những cảnh sex đáng giá cả về nội dung, thẩm mỹ và cảm xúc đưa Touch là một trong những tác phẩm đáng xem nhất năm nay.
(Còn tiếp)
Ý kiến bạn đọc