"Những người khốn khổ" chờ bùng nổ màn ảnh

16:17, 04/01/2013
|

(VnMedia) - Từ cuốn tiểu tuyết nổi tiếng thế kỷ 19, và vở nhạc kịch đình đám thế kỷ 20, bộ phim ca nhạc Les Misérables (Những người khốn khổ) của đạo diễn Tom Hopper đang được kỳ vọng sẽ trở thành một siêu phẩm điện ảnh.

Từ những tác phẩm gốc kinh điển...


Tiểu thuyết Những người khốn khổ của đại văn hào Victor Hugo là một trong những tác phẩm nổi tiếng lịch sử văn học thế giới.

Ảnh minh họa

Những người khốn khổ tái hiện xã hội Pháp thế kỷ 19


Ra mắt năm 1862, tác phẩm đồ sộ của Victor Hugo phản ánh xã hội nước Pháp những năm đầu thế kỷ 19, với rất nhiều con người số phận điển hình. Những Jean Valjean, Javert, Fantine, Cossette, vợ chồng nhà Thenardier… đã đi vào ký ức của hàng triệu độc giả trên thế giới.

Đây là một trong những tác phẩm văn học được chuyển thể nhiều nhất qua những loại hình nghệ thuật khác, cả một phần hoặc toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Riêng trong phim ảnh đã có tới hơn 40 phiên bản ra đời, cả điện ảnh, truyền hình và cả… hoạt hình, từ thủa sơ khai của nghệ thuật thứ 7 đến nay.

Ở địa hạt sân khấu, phiên bản đình đám nhất là vở nhạc kịch cùng tên - Les Misérables do Claude-Michel Schönberg sáng tác. Đây là một trong những vở nhạc kịch kinh điển nhất mọi thời đại, từng được dịch ra 21 thứ tiếng, công diễn tại 44 quốc gia cho 60 triệu khán giả, chưa kể hàng ngàn phiên bản khác nhau dàn dựng trong các sân khấu nhỏ hơn ở các trường đại học, trung học.

Ra mắt năm 1985, đến nay vở nhạc kịch này vẫn tiếp tục được công diễn tại sân khấu West End, London và trở thành vở nhạc kịch tồn tại lâu đời nhất trên thế giới. Les  Misérables là một kiệt tác của nền văn hóa đương đại nhưng vẫn khá xa lạ ở Việt Nam.

Cuối cùng sau 27 năm kể từ ngày vở nhạc kịch ra mắt khán giả, Cameron Mackintosh - nhà sản xuất đại tài của sân khấu West End - một lần nữa làm sống lại sức hấp dẫn của vở nhạc kịch này khi đưa nó lên màn ảnh rộng.

... Đến phiên bản điện ảnh được kỳ vọng

Với Mackintosh, việc chuyển thể vở nhạc kịch thành tác phẩm điện ảnh không đơn thuần là việc biến đổi thể loại, mà lại tạo một đời sống riêng, độc lập cho bộ phim. Dự án được đặt vào tay Tom Hooper, đạo diễn của bộ phim giành tượng vàng Oscar The King’s Speech.

Ảnh minh họa

Dàn diễn viên đình đám trong phim


Bộ phim quy tụ một dàn diễn viên đình đám gồm Hugh Jackman (Jean Valjean), Russell Crowe (thanh tra Javert), Anne Hathaway (Fantine), diễn viên trẻ Amanda Seyfried (Cossette) và 2 gương mặt ấn tượng Sacha Baron Cohen, Helena Boham Carter (vợ chồng nhà Thenardier)…

Với những chất liệu tuyệt vời có sẵn từ vở nhạc kịch, đoàn làm phim vẫn phải tìm về với cuốn tiểu thuyết gốc để chuyển thể những chi tiết có thể là không quan trọng trên sân khấu kịch nhưng không thể không kể đến khi đưa nó lên màn ảnh rộng.

Để tăng tính hấp dẫn cho bộ phim, đạo diễn Tom Hooper đã quay rất nhiều ngoại cảnh ở Pháp và Anh, ngoài ra còn tận dụng tối đa kỹ xảo cho các màn chiến đấu hoành tráng, mang lại cảm giác sống động và chân thực nhất cho khán giả.

Đòi hỏi của ông về phần diễn xuất cũng cực kỳ khắt khe, dàn diễn viên dù đều là các tên tuổi hàng đầu cũng không tránh khỏi phải diễn đi diễn lại vài ba lần mới đạt yêu cầu. Và Tom Hooper còn mở rộng kịch bản, ông đã yêu cầu nhà soạn nhạc Claude-Michel Schoberg viết thêm ca khúc cũng như phần nhạc nền.

Một điểm đặc biệt nữa của bộ phim mà tạp chí Time đã phải thốt lên rằng “đây là một bộ phim nhạc kịch kiểu mới”, đó là toàn bộ dàn diễn viên được yêu cầu hát trực tiếp trong quá trình quay. Micro được giấu trong trang phục, các diễn viên hát với piano, và phần đệm của dàn nhạc lên tới 70 người chỉ được thêm vào sau khi đóng máy quay.

Chờ xem tài năng... ca hát của các sao điện ảnh

Nhà hòa nhạc cho phim Simon Hayes cho biết trong suốt bộ phim sẽ chỉ có khoảng 15 đến 20 dòng thoại, và vì vậy sẽ là kệch cỡm và thiếu tôn trọng khán giả khi bắt họ phải thưởng thức màn hát nhép của diễn viên trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ.

Ảnh minh họa

Chờ xem Anne Hathaway trổ tài ca hát


So với phiên bản nhạc kịch, phim có thêm một vài câu thoại ngắn ngủi. Còn lại hoàn toàn là âm nhạc.

Bên cạnh các màn hợp ca hoành tráng, mỗi phần đơn ca, song ca, hát bè theo nhóm cũng quyến rũ người xem không kém, qua đó giúp khắc hoạ tính cách nhân vật một cách rõ ràng, cụ thể hơn.

Khi vào trường quay, toàn bộ diễn viên được trang bị nút bịt tai chuyên dụng có gắn đường truyền âm thanh của đàn piano sẽ trình diễn “sống” cùng với họ mỗi khi đến phân đoạn cần phải hát.

Các nhạc công sẽ theo dõi diễn xuất của diễn viên qua một monitor và vì vậy có thể phối hợp nhịp nhàng với diễn viên khi cần thiết. Lời hát của diễn viên sau đó được thu âm trực tiếp nhưng lại không có phần đệm của piano trực tiếp tại hiện trường, phần âm nhạc được làm và chuẩn bị kỳ công hơn thế nhiều cho quá trình hậu kỳ sau này.

Và phim Những người khốn khổ đang được kỳ vọng sẽ vượt qua thành công vang dội của Chicago hồi năm 2002. Một bộ phim ca nhạc không thể bỏ qua với những người yêu điện ảnh.

Phim do Megastar phát hành, sẽ ra mắt khán giả Việt từ ngày 11/1 này.


Lan Anh

Ý kiến bạn đọc