Hoài phố – hiện tượng chỉ có ở điện ảnh Việt?

07:09, 30/01/2013
|

(VnMedia) - Một bộ phim ngắn là thể loại vốn dĩ chẳng bán vé chiếu rạp lại tổ chức ra mắt rình rang, ầm ĩ để rồi sau đó… chiếu miễn phí trên mạng. Mà thú vị là chẳng mấy ai thấy yếu tố hài hước của sự việc này.

>> Ngô Thanh Vân thả dáng trong phim của "người tình tin đồn"
>> Phim của Ngô Thanh Vân liệu có gây "sốt"?

Faifo (Hoài phố) – bộ phim ngắn mới hợp tác của Ngô Thanh Vân và Cường Ngô là hiện tượng hiếm có của điện ảnh thế giới. Phải nói là hiện tượng hiếm có, trên rất nhiều phương diện!

Phim ngắn, xuất phát điểm vốn dĩ là bài tập cuối khóa của sinh viên điện ảnh, các ngành đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật… Nói cách khác, nó cũng như đồ án tốt nghiệp của dân Kiến trúc, Xây dựng, Bách khoa, cũng như luận văn tốt nghiệp của dân Xã hội, Kinh tế, Ngoại thương. 

Ảnh minh họa

Có những đạo diễn trẻ làm phim ngắn xuất sắc như Nguyễn Nhật Duy (áo hồng) nhưng chẳng màng đến chuyện public


Với phim ảnh là lĩnh vực đại chúng, nên những thứ ở trong đó dễ dàng trở thành đối tượng được công khai rộng rãi, đâm ra phim ngắn đều có tiềm năng lớn được chỉ mặt, gọi tên. Trong khi có những sản phẩm từ hay ho đến xuất sắc ở không ít lĩnh vực khác ít khi có diễm phúc tương tự…

Trước đây, phim ngắn tốt nghiệp chỉ là sản phẩm báo cáo hoàn thành thời sinh viên. Ra trường đi làm là bị bỏ quên! Cũng như đồ án, luận văn tốt nghiệp của tuyệt đại đa số kỹ sư, cử nhân sẽ trở thành dĩ vãng, trừ khi nó xuất sắc để được ứng dụng, hoặc họ có ý định phát triển đề tài trong các bậc học cao hơn.

Những năm gần đây, với sự phát triển ngày càng thiết thực của  công nghệ số, việc làm phim ngắn trở nên thuận tiện và rẻ tiền hơn. Với bản thân các sinh viên điện ảnh và cả những kẻ ngoại đạo. Sự phổ cập của các phương tiện chia sẻ video hay mạng xã hội cũng giúp các phim ngắn dễ dàng được phổ biến hơn.

Cùng với sự xuất hiện các cuộc thi, các giải thưởng phim ngắn… khiến cụm từ này được nhắc đến nhiều hơn, những gương mặt làm phim ngắn dễ dàng được biết đến hơn. Thậm chí trước khi họ trở thành những người làm phim chuyên nghiệp - điều mà những người làm điện ảnh các thế hệ đi trước không thể có.

Dài dòng thế, chỉ muốn đề cập rằng phim ngắn vốn dĩ là phương tiện học việc, hoặc cao hơn chút là sản phẩm làm dầy C.V (hồ sơ nghề nghiệp) của người làm phim. Nó giống như việc làm thêm tích lũy kinh nghiệm trước khi chính thức đi làm. Nếu có phim đủ xuất sắc, thì có thể là tấm giấy thông hành mở ra cánh cửa vào nghề.

Ảnh minh họa

Vân Ngô, Cường Ngô, và báo chí ứng xử với phim ngắn của họ theo lối với những tác phẩm chuyên nghiệp


Sau Ngọc viễn đông, rõ ràng Cường Ngô được nhìn (bởi báo giới và công chúng) là một đạo diễn điện ảnh, thậm chí là một đạo diễn tài năng (?!).

Sau những tiếng đồng thanh ca ngợi của truyền thông về bộ phim Ngọc viễn đông, anh phối hợp cùng Ngô Thanh Vân thực hiện phim ngắn The Journey (Hành trình). Bộ phim tiếp tục công thức yêu thích (và hẳn là sở trường) của anh là mỹ nhân, cảnh đẹp và chuyện mùi, và xem ra được nhiều người tính đếm như một phim thực sự hơn là phim ngắn.

Đến Faifo thì hiện tượng này còn trở nên rõ ràng hơn. Bộ phim gửi tới báo giới thông tin, hình ảnh quảng bá, theo lối của một dự án điện ảnh chuyên nghiệp. Từ giới thiệu nội dung phim, cảnh phim và hình ảnh hậu trường, trailer và cả những chia sẻ, tâm sự về quá trình thực hiện.

Không dừng lại ở đó, phim ngắn này còn thông báo chiếu ra mắt tại TP.HCM. Đã ngạc nhiên khi biết tin có hẳn một buổi ra mắt để chiếu một bộ phim 30 phút, còn bất ngờ hơn khi sau đó thấy sự kiện này vô cùng hoành tráng, với đủ thể loại celebrity tham dự, từ diễn viên, ca sỹ, người mẫu, nhóm nhạc…

Ảnh minh họa

Thời gian buổi tiệc có lẽ gấp mấy thời lượng chiếu phim. Kinh phí buổi tiệc có lẽ vượt cả kinh phí thực hiện phim.


Vô cùng hoành tráng. So với sự xuất hiện thông thường của  phim ngắn Việt xưa nay, kể cả những tác phẩm xuất sắc. Vô cùng hoành tráng, so ngay với cả những  phim ngắn nước ngoài được Oscar, Cành cọ Vàng, Sư tử Vàng…

Thử search Google cụm từ short film + premier, chỉ ra được vài kết quả về buổi ra mắt phim ngắn Cruel summer của nhà sản xuất âm nhạc Kanye West tại LHP Cannes. Trong khi, mỗi ngày có hàng trăm phim ngắn đang được thực hiện trên thế giới. Tính riêng những nước nói/viết tiếng Anh như kinh đô Hollywood, Bollywood thì cũng vượt qua hàng chục mỗi ngày.

Như vậy, có thể nói, lối làm mà Vân Ngô, Cường Ngô và ekip áp dụng cho Faifođiều thực sự hiếm với phim ngắn, không chỉ ở Việt Nam.

Có thể bản thân ở một vị trí mà việc quan hệ báo chí, gửi thông tin PR, quảng cáo là chuyện thường như cơm bữa; sống trong môi trường mà việc tổ chức event, quan hệ showbiz là chuyện quá quen thuộc, Ngô Thanh Vân cũng không ý thức hết tính chất khoa trương của sự kiện này.

Nhưng, nếu nhìn sang Bay vào cõi mộng (đạo diễn Nguyễn Phương Điền), một bộ phim truyện chiếu Tết ra mắt ngay trong tuần qua, quá đơn giản và khiêm tốn tới mức chỉ đôi ba tin nhắc tới. Nếu nhìn về nhiều tác phẩm phim giá trị, cả truyền hình, video và phim nhựa của Việt Nam như Cỏ dại, Tôi vào đời, Hải nguyệt… gần như bị xóa mờ trong lịch sử chỉ vì không được báo chí biết đến và nhắc tới. Hay những tác phẩm điện ảnh sâu sắc được thực hiện công phu và tâm huyết như Mùa hè lạnh bị đánh giá quá thấp so với giá trị thực…

Thì thấy, sự rình rang, đình đám của Faifo hàm chứa cả sự bất công. Thì thấy, những lời review copy thông cáo báo chí trở thành sự rỗng tuếch. Thì thấy, buổi tiệc hẳn tính bằng giờ đồng hồ cho buổi xem phim 30 phút trở thành sự vô duyên.

Thêm một yếu tố rất đáng kể khác.

Ảnh minh họa

Quay bằng máy Red one, tốn kém hơn so với máy ảnh KTS nhưng rẻ hơn nhiều so với máy quay phim nhựa


Trong khi phim truyện ở Việt Nam hiện tại kinh phí từ 5 - 25 tỷ đồng, cao nhất có Khát vọng Thăng Long (Lưu Trọng Ninh) năm 2010 được bảo là 50 - 60 tỷ. Thì kinh phí cho phim ngắn dao động từ 5 - 100 triệu đồng, cao nhất tạm thời được biết có Khi ta 20 (Phan Đăng Di) năm 2006 là 15 ngàn USD.

Nhìn vào trailer Faifo, với việc tận dụng hầu hết bối cảnh ngoại tự nhiên, không cảnh quay phức tạp, lại không phải di chuyển, ít diễn viên, thì các chi phí còn lại như thuê máy quay, thiết kế cảnh nội, vài bộ trang phục, ăn uống ngủ nghỉ ở Hội An... cho một thời gian quay chắc vài ngày cũng chỉ kịch kim vài ba trăm triệu. Việc đánh đồng nó như một tác phẩm phim truyện xem ra là một sự chưa minh bạch.

Cuối cùng, Faifo được công bố sẽ chiếu
miễn phí trên mạng xã hội (cũng là điều gần như là hiển nhiên với các phim ngắn) khiến buổi họp báo ra mắt trở thành một sự hài hước.


Batigol

Ý kiến bạn đọc