Phim tư nhân áp đảo tại Cánh diều Vàng 2012

07:57, 03/03/2012
|

(VnMedia) - Giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh đã khởi động với buổi họp báo sáng qua 1/3. Có 12 phim truyện nhựa tranh giải Cánh diều Vàng 2012, trong đó điện ảnh tư nhân chiếm số lượng áp đảo với 10 phim.

>> Những bộ phim nhiều dấu ấn nhất năm 2011  
>> Trái ngược 2 bộ phim gây tranh luận nhất 2011 
>> Tư nhân là tương lai gần của điện ảnh Việt?!

Ra đời từ năm 2003, Cánh diều Vàng là tên gọi thay thế cho giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam có từ trước đó 10 năm. Tổ chức định kỳ vào tháng 3 hàng năm, (so với giải Bông sen Vàng của LHP quốc gia tổ chức 5 năm 2 lần, sắp tới định kỳ 2 năm/lần), đây được ví là Oscar Việt Nam.

Theo thông lệ, giải thưởng chọn trao giải cho các tác phẩm ở các thể loại: Phim truyện nhựa, Phim video (truyền hình ngắn tập), Phim truyền hình (dài tập), Phim ngắn, Phim tài liệu, Phim khoa học, Phim hoạt hình và Công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.

Năm nay, ở thể loại quan trọng nhất là Phim truyện nhựa, có 12 tác phẩm dự thi, đây là con số phim tranh giải lớn trong “lịch sử” 9 năm của giải thưởng này, tương đương năm 2006, năm của “Chuyện của Pao” và “Sống trong sợ hãi”.

Ảnh minh họa

"Mùi cỏ cháy" - một trong những ứng viên sáng giá tại Cánh diều Vàng 2012


Trong khi điện ảnh quốc doanh chỉ có 2 đại diện đến từ Hãng phim Truyện Việt Nam là “Mùi cỏ cháy” và “Tâm hồn mẹ” thì có tới 10 tác phẩm điện ảnh góp mặt của khu vực điện ảnh tư nhân. Con số này cũng phản ánh khá sát thực diện mạo ngày càng khởi sắc của điện ảnh tư nhân trong đời sống điện ảnh.

BHD mang tới “Hotboy nổi loạn” từng chu du tại các LHP quốc tế lớn và phim hài chiếu Tết “Lệ phí đường cong”. Thiên Ngân Galaxy gửi tranh bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh năm qua “Long ruồi” và phim kinh dị “Lời nguyền huyết ngải”. Chánh Phương đóng góp bộ phim về hiphop “Sài Gòn Yo!”, Phước Sang tiếp tục dòng phim hài nhảm với “Hello cô Ba”.

Ngoài những “đại gia” quen thuộc, năm nay còn có sự góp mặt của nhiều hãng phim mới như Cinebox với “Vũ điệu đường cong”, Hoàng Trần Films với “Lệnh xóa sổ”, Coco Paris và VELO với “Ngôi nhà trong hẻm”. Trong số này, gây tò mò nhất là “Đó hay đây” (HK Films) của đạo diễn Việt kiều 63 tuổi Síu Phạm, bộ phim đã xuất hiện tại LHP Busan năm rồi.

Ảnh minh họa

Là tác phẩm duy nhất chưa lộ diện, "Đó hay đây" của đạo diễn Việt kiều Síu Phạm là một ẩn số thú vị


Một điều đáng chú ý (nhưng không mấy người để ý) ở Cánh diều Vàng năm nay là sự biến mất của hạng mục Phim video (được nhìn như phim truyền hình 1 tập). Có dáng dấp như phim truyện nhựa nhưng thể hiện trên chất liệu rẻ tiền hơn là video, những tác phẩm ở thể loại này vô hình chung bị xem nhẹ hơn những người “anh em” phim truyện nhựa.

Từng làm mưa làm gió thị trường điện ảnh ở thập kỷ 90 (được chiếu rạp như phim truyện nhựa), hiện thể loại này ngày càng mất dấu trong đời sống phim ảnh.

Nếu như ở kỳ giải thưởng năm ngoái, chỉ có 3 tác phẩm dự thi ở thể loại này thì năm nay, có lẽ do chỉ còn duy nhất một đại diện ở thể loại này góp mặt là “Em nữa là 12”, BTC đã ghép chung 2 thể loại Phim video và Phim truyền hình vào một khu vực giải thưởng.

Ngoài phim này, thể loại Phim truyền hình năm nay là sự cạnh tranh của 18 phim dài tập với tổng cộng gần 600 tập phim. Trong đó dài tập nhất là “Công nghệ thời trang” (61 tập) và ngắn tập nhất là “Phá vỡ im lặng” (10 tập). Ở thể loại này có nhiều tác phẩm đã gây xôn xao dư luận như “Chủ tịch tỉnh”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Những đứa con biệt động Sài Gòn”…

Ảnh minh họa

"Chủ tịch tỉnh" - phim truyền hình chính luận gây xôn xao dư luận trong năm là cái tên nặng ký ở thể loại Phim truyền hình

Thể loại phim ngắn năm nay có thêm quy định, do các tác giả dưới 30 tuổi thực hiện, thu hút được 37 tác phẩm (trong đó có 27 phim truyện và 10 phim tài liệu). Có 11 phim hoạt hình, 41 phim tài liệu, 10 phim khoa học và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình cũng tham gia tranh giải Cánh diều Vàng năm nay.

Khác với mọi năm, năm nay, BTC không công khai danh sách phim dự thi cũng như các tác giả dự giải, trừ ở thể loại phim truyện nhựa. Danh sách thành viên BGK cũng được giữ kín với lý do, để các nghệ sỹ tránh bị gọi điện, hỏi han làm phiền.

Theo đó, BCT chỉ công bố danh tính những vị trưởng BGK ở các thể loại. Đó là: Đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc (Phim truyện nhựa), Đạo diễn – NSƯT Nguyễn Hữu Phần (Phim truyền hình), Đạo diễn – NSƯT Nguyễn Vinh Sơn (Phim ngắn), Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Phim tài liệu – khoa học), Đạo diễn – NSƯT Ngô Mạnh Lân (Phim hoạt hình) và TS Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng ĐH SK-ĐA Hà Nội (Công trình nghiên cứu, lý luận…)

Khác với đội quân giám khảo cá tính và “gai góc” của LHP Việt Nam lần thứ 17 như Lưu Trọng Ninh, Bùi Thạc Chuyên, Đinh Anh Dũng, Trịnh Thanh Nhã…, giải thưởng của Hội Điện ảnh chọn một nhà làm phim ở thế hệ trước làm chủ khảo: Đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc, sắp tròn 80 tuổi và đã lâu không làm phim. 10 thành viên còn lại, không công bố danh tính, nhưng được BTC cho hay là sự lựa chọn theo cơ cấu ngành nghề: Có nhạc sỹ, họa sỹ, quay phim, biên kịch…

Sau sự “mất tích” tại LHP quốc gia vừa diễn ra cuối năm ngoái, BGK giải Báo chí – Phê bình lại xuất hiện tại mùa Cánh diều năm nay. BGK này gồm 17 thành viên do nhà báo Đinh Trọng Tuấn, TBT Tạp chí Thế giới Điện ảnh – tạp chí của Hội làm trưởng ban.

Giải thưởng của đại diện giới truyền thông trao cho tác phẩm xuất sắc nhất ở thể loại phim truyện nhựa còn là một sự để ngỏ về sự xác tín khi độ vênh giữa nhìn nhận của báo chí với các chuyên gia còn là khoảng cách lớn. Ở LHP năm ngoái, có những tác phẩm được giới làm nghề đánh giá tích cực lại bị coi là... chất lượng tồi bởi nhiều cây bút điện ảnh.


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc