Nghe nhà​ giàu kể nỗi khổ "không thể nói ra"ngày Tết

18:25, 27/01/2017
|

Các cụ có câu “trong chăn mới biết chăn có rận”, quả thực chuyện gia đình tôi mà kể ra, chắc hẳn nhiều người quen biết lại chê cười, nói tôi “nhà giàu kể khổ”. 

Ngày Tết đến gần, mọi người đều hân hoan, háo hức, còn tôi chỉ thấy nặng lòng. Vợ chồng tôi mới cưới nhau được hai năm, hai vợ chồng đều muốn có sự nghiệp ổn định mới tính chuyện con cái nên chúng tôi vẫn đặt “kế hoạch”. Cả hai đều làm ở công ty nước ngoài, thu nhập khá cao, lương thưởng của hai vợ chồng hàng tháng cũng suýt soát trăm triệu, Tết đến tiền thưởng lên đến vài trăm. Đây thực sự là con số nhiều người phải mơ ước. Mọi người đều nói, vợ chồng chúng tôi “ăn không phải lo, tiêu không phải tính”, nhưng chính suy nghĩ ấy khiến vợ chồng tôi lắm bận phải lao đao ... vì tiền. 

Chúng tôi đều xuất thân từ tỉnh lẻ, gia đình hai bên chỉ tính là đủ ăn đủ mặc ở quê. Để bám trụ lại được ở chốn thị thành đắt đỏ này, vợ chồng tôi phải cố gắng hết sức, thu nhập so với nhiều người là cao, song chúng tôi chưa bao giờ dám tiêu xài hoang phí. Căn chung cư trong khu đô thị hiện đại chúng tôi đang sống là căn hộ trả góp. Theo tính toán của hai vợ chồng, chúng tôi phải chắt bóp trong năm đến bảy năm mới trả hết nợ. Tuy nhiên, vì muốn con cái sau này có môi trường sống tốt nhất, chúng tôi cũng cắn răng mua.

Chồng tôi hiện đang làm giám đốc tiêu thụ, khách hàng của anh đa phần đều thuộc tầng lớp thượng lưu, muốn tiếp cận được họ thì phải chau chuốt ngoại hình. Trang phục, phụ kiện, phương tiện đi lại phải là hàng “đẳng cấp” mới dễ gây thiện cảm với khách hàng. Vì thế, từ quần áo, giày dép, điện thoại, đồng hồ, thậm chí đến cái dây lưng chồng tôi mang trên người khi đi làm đều là hàng hiệu, đến mua ô tô cũng không dám mua hạng xoàng. Thu nhập của hai vợ chồng tuy cao, nhưng trừ tiền trả góp mua nhà, mua xe và các chi phí khác thì mỗi tháng cũng chẳng còn dư dả bao nhiêu.

Điều khiến chúng tôi đau đầu là họ hàng hai bên ở quê lại coi vợ chồng tôi như “kho tiền”. Họ cho rằng, thu nhập như thế, chúng tôi có “vừa tiêu vừa phá” cũng không hết. Bởi vậy, chưa đến Tết, hết mẹ chồng lại đến chị dâu bên nhà tôi gọi điện “hỏi thăm”. Sau dăm câu ba điều hỏi han sức khỏe, cuộc sống, cái đích cuối cùng của họ là hỏi vợ chồng tôi được thưởng Tết chưa? Dự kiến được thưởng bao nhiêu? Mẹ chồng còn “khoán” luôn, ở quê cái gì cũng thiếu, thành phố thì cái gì cũng có nên mẹ giao cho vợ chồng tôi sắm Tết. “Sắm Tết” không phải chỉ mua đồ trong nhà, mà còn phải lo cả quà cáp biếu xén cho họ hàng cô bác. Mẹ chồng tôi nói thẳng, vì vợ chồng tôi làm cho “Tây” nên bánh kẹo, rượu thuốc không thể mua đồ nội được, kẻo mọi người “khinh” cho. Nhìn danh sách các nhà cần biếu quà Tết mẹ chồng gửi mà tôi thấy xây xẩm mặt mày.

Chị dâu bên nhà tôi thì “đánh tiếng”, ra Tết anh chị cất lại cái nhà, mà ra Giêng đầu xuân năm mới không ai đi vay nợ, nên vợ chồng tôi thu xếp trước Tết có về thì sắp cho anh chị “đôi trăm”. Là dâu mới, lời mẹ chồng tôi không dám cãi. Tôi đành gọi điện về “cầu cứu” mẹ đẻ. Mẹ tôi chẳng được câu chia sẻ, còn mắng tôi vô trách nhiệm với anh em trong nhà. Mẹ kể lể ngày trước anh tôi đi làm vất vả để phụ bố mẹ nuôi tôi ăn học, tôi mới có ngày hôm nay, thế mà bây giờ khấm khá, chỉ biết lo cho nhà chồng, không quan tâm đến nhà mẹ đẻ.

Vợ chồng tôi tính toán, nếu chiều lòng cả hai bên, số tiền thưởng Tết của hai vợ chồng chưa về tay đã “bay” đi hết, thậm chí còn âm. Những dự định sắm sửa thêm đồ đạc và trả bớt các khoản nợ trong nhà đành tạm hoãn lại. Nghĩ đến những khoản chi Tết là hai vợ chồng lại thở dài, nhắc đến tiền Tết là lại thấy đau đầu.

Theo Dân Việt


Ý kiến bạn đọc