(VnMedia) - Làm đổ vỡ, cho lửa, vay mượn ... là những điều kiêng kỵ trong dịp đầu năm được người Việt truyền qua nhiều thế hệ với hy vọng không gặp phải những điều rủi ro trong cả năm.
Người phương Đông có nhiều quan niệm kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới |
Kiêng mặc quần áo trắng hoặc đen trong ngày đầu năm
Theo quan niệm của người xưa, màu đen và trắng thường liên quan đến hình ảnh của tang lễ, chết chóc, những điều đen đủi, xấu xa. Vì vậy, nên tránh mặc kết hợp trang phục theo tông màu toàn đen hoặc trắng, thay vào đó nên mặc đồ màu hồng, đỏ, vàng, xanh... tạo nên sự phấn khởi và vui vẻ để đón chào năm mới. Ngay cả ở Tây Ban Nha cũng mặc nội y có màu đỏ, màu sắc của chiến thắng, như một biểu tượng của sức sống cháy bỏng.
Tránh làm đổ vỡ
Ngày đầu năm để may mắn, nhiều người thường kiêng tránh đổ vỡ đồ đạc trong nhà, nhất là vỡ chén hoặc vỡ bát, vỡ gương. Đó là điềm xấu báo hiệu những điều rủi ro sắp xảy ra. Vì vậy, kiêng làm vỡ các đồ vật: tránh chia cắt, bất hòa. Tuy nhiên, vào những ngày đầu năm đôi khi việc đổ vỡ vẫn xảy ra. Lúc này chỉ có thể trấn an người thân trong gia đình rằng tiếng vỡ khá giống tiếng phát. Bát đĩa, đồ đạc rơi cũng là cả năm gia đình làm ăn phát đạt.
Không cho lửa, cho nước ngày đầu năm
Lửa đỏ tượng trưng cho sự may mắn, phát tài nên vào ngày đầu năm mới kiêng kỵ chuyện cho lửa bởi chẳng khác nào đem may mắn của mình cho người khác. Tốt nhất, trong ngày đầu năm khi đi chùa thì mỗi người nên chuẩn bị que diêm, bật lửa. Ngoài ra, cùng với lửa là nước cũng là một phần của ngũ hành. Dân gian có câu “tiền vào như nước” vì vậy đầu năm cho nước cũng chẳng khác nào làm mất tài, mất lộc.
Không vay mượn
Ngày đầu năm người Việt kiêng kỵ chuyện đi vay hay đi đòi nợ, trả nợ. Mọi vấn đề liên quan tới tiền đều được thanh toán vào năm cũ nếu không kịp thì phải để qua những ngày đầu năm. Người dân thường cho rằng, đi vay trong ngày đầu năm là sẽ phải mang nợ nần suốt cả năm, hơn nữa, người cho vay chẳng khác nào đem tiền tài của mình đi cho người khác.
Tránh cãi vã ngày đầu năm
Trong những ngày đầu năm mọi người thường hạn chế cãi vã, ngay cả những người đã có xích mích từ trước thì cũng tránh va chạm để gây bất hòa. Đây là dịp “năm mới không nhắc lại chuyện cũ”, mọi người trong gia đình vui vẻ, giữ hòa khí để cả năm vui vẻ, đoàn kết.Vì vậy, những ngày này dù trẻ nhỏ có nghịch ngợm, phạm lỗi thì người lớn cũng chỉ cười xòa bỏ qua, không mắng mỏ, lớn tiếng.
Có khá nhiều điều kiêng kỵ trong dịp năm mới dù không biết chúng có thực hay không nhưng dân gian thường quan niệm “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Vì vậy, bên cạnh những điều kiêng kỵ trên vẫn còn khá nhiều điều mà mọi người thường tránh trong dịp đầu năm như:
- Kiêng quét nhà, đổ rác ngày mùng 1 để tránh hất tài lộ ra khỏi nhà.
- Không gội đầu hay tắm giặt vào ngày đầu tiên của năm mới theo Âm lịch vì như vậy là sẽ rửa sạch tài sản của mình đi.
- Không uống thuốc đầu năm để tránh điềm xấu, phải ốm đau quanh năm mới.
- Người có tang không nên xông nhà hoặc đi chúc tết mọi người để tránh mang xui xẻo tới cho người khác.
- Đặc biệt không xuất hành ngày mùng 5: Ngày nguyệt lộ không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.
Ý kiến bạn đọc