Mạng ảo hậu quả thật

09:48, 16/07/2017
|
Tuổi mới lớn thường hành động vì cảm xúc thay vì lý trí. Bởi vậy mỗi khi bực bội, nóng giận, thất vọng, uất ức sẽ khiến các em hành động bột phát mà không hề nghĩ đến hậu quả. Tuy nhiên, các em không biết rằng thế giới mạng không hề đơn giản, là thế giới thật có ảnh hưởng thật với những hậu quả khôn lường.

Cảnh báo từ mạng ảo

Không thể phủ nhận những tích cực mà mạng xã hội mang lại cho con người khi biết sử dụng đúng mục đích. Ở đó chúng ta có thể cập nhật thông tin, chia sẻ giao lưu liên kết với bạn bè, người thân dù cách xa về địa lý. Tuy nhiên mặt trái của mạng xã hội cũng khiến cho lối sống ảo ở một bộ phận giới trẻ trở nên phổ biến hơn.

Thời gian qua, mạng xã hội được dịp xôn xao trước sự việc một thanh niên thế hệ 9x ở Sóc Trăng đã tự tin phát biểu trên trang cá nhân đính kèm bức ảnh “Bức hình này đủ 40k like tôi đổ xăng từ trên người xuống lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa”. Chủ nhân của lời nói gây sốc này có lẽ chỉ có ý định “chém gió” cho vui nhưng quá bất ngờ sau vài giờ đã có hơn 80 nghìn lượt like. Kết cục thanh niên này phải đóng cửa facebook cá nhân khi bị nhiều chì trích “nổ”. Tuy nhiên, sau đó anh chàng tiếp tục diễn trò khi thông báo 7h tối sẽ thực hiện đúng lời hứa. Nhiều người hiếu kỳ đã đổ lên cây cầu để chứng kiến màn kịch và công an giao thông đã phải giải tán đám đông. Khoảng 23h đêm hôm đó, mạng xã hội lan truyền đoạn clip được cho là N.T tự đổ xăng vào người rồi châm lửa và nhanh như cắt lao xuống sông dập lửa. Cảnh tượng N.T vùng vẫy trong đám lửa bốc lên rồi cuống cuồng nhảy xuống sông thoát thân làm không ít người bàng hoàng.

Trên trang cá nhân facebook, một anh chàng tên C.L tại Khánh Hòa cũng hùa theo phong trào Việt Nam nói là làm bằng cách đăng: Đủ 1k like + 200 chia sẻ + 200 cmt tôi sẽ đốt xe… Sau dòng trạng thái đó, nhiều comment viết: Tất cả tiêu chí bạn C.L đưa ra đều đã đủ, chỉ có không biết bạn có thực hiện không. Tuy vậy cũng có bạn đã nói thẳng: Xin đừng!!! Đừng để những trò ngớ ngẩn tạo thành trào lưu… Mới đây nhất, hùa theo phong trào “nói là làm”, sau khi đủ lượng like trên facebook cá nhân, nữ sinh lớp 8 Trần Thị Ngọc Trâm, ở TX Ninh Hòa đã bị nhóm bạn ép buộc phải đem xăng vào đốt trường học, nếu không sẽ bị ăn đòn. Sau đó, nữ sinh này phải nhập viện cấp cứu vì bị bỏng nặng ở hai chân. Sự việc đang được dư luận quan tâm.

Rõ ràng, trong mắt giới trẻ, đặc biệt học sinh tuổi teen thế giới mạng mà điển hình là facebook là thế giới ảo, mọi phát ngôn trên đó đều không chính thức, viết chơi cho vui, viết cho hả giận, viết rồi thôi, viết không cần nghĩ đến hậu quả. Thế nhưng thực tế cho thấy hậu quả mà nhiều bạn trẻ đã nếm trải không hề nhẹ nhàng và để lại những tác động lớn cả về tinh thần lẫn thể chất.

Rất nhiều tiêu cực khi con dùng mạng ảo không kiểm soát
Rất nhiều tiêu cực khi con dùng mạng ảo không kiểm soát
 
Sống an toàn cùng mạng ảo

Trao đổi cùng các thầy cô giáo đều cho rằng, nếu sử dụng đúng đắn, mạng xã hội sẽ là một nơi hiệu quả để học hỏi, thậm chí có thể trở thành một “lớp học” online, một “trường học” trực tuyến lý tưởng của mỗi người. Song để phát huy được tác dụng của mạng xã hội đòi hỏi người sử dụng cần có kỹ năng. Trong khi đó, giới trẻ nói chung, một bộ phận học sinh, sinh viên nói riêng đang nghiện mạng xã hội nhưng lại lên trang mạng xã hội một cách thả nổi về kĩ năng. Chính vì vậy những hệ quả từ mạng xã hội đối với xã hội ngày càng trầm trọng và giới trẻ cần được quan tâm hướng dẫn đầy đủ kĩ năng.

Các chuyên gia tâm lý giáo dục chỉ ra, để học sinh không nghiện facebook mỗi người cần có thời gian sử dụng vừa phải. Không để facebook kiểm soát mình, không để bị “nghiện” để rồi học hành sa sút, bỏ quên bạn bè thực, sống online hơn là sống thực. Mặt khác cần lưu ý những gì thể hiện trên facebook. Một lời phát ngôn của một người có thể lan truyền ghê gớm. Vì vậy đừng đăng ảnh nhạy cảm, tung clip “đen”, phát ngôn những câu nghe không lọt tai, đăng những bài thóa mạ búa rìu nhau.

Đặc biệt, hãy tận dụng những mặt tốt của mạng xã hội. Mở rộng mạng lưới bạn bè, theo dõi và quan tâm lẫn nhau, đọc những bài viết hay, tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện ý nghĩa… Faceboook có thể biến thành lớp học online đầy bổ ích nếu chúng ta biết chọn những trang facebook lành mạnh để vào, tránh xa những địa chỉ đầy u ám.

Trường hợp thấy facebook đã ảnh hưởng và can thiệp vào công việc, học hành và đời sống xã hội cần cai nghiện facebook ngay. Người dùng cần xác định đúng mục tiêu. Một khi bạn đã xác định đúng đắn mục tiêu sử dụng facebook cho chính mình, hãy tập trung vào mục tiêu này. Cùng đó hãy hạn chế thờ gian sử dụng. Một khi bạn đã đặt ra mục tiêu sử dụng facebook cho mình, hãy xác định chắc chắn tổng thời gian mỗi ngày bạn dành để “online” trên facebook. Hãy cài đặt giới hạn này, và một khi bạn vượt quá con số đó, tiện ích sẽ tự động chặn truy cập của bạn vào trang web cho tới khi thời hạn 24h của mỗi ngày trôi qua.

Làm sao để mạng xã hội trở thành một công cụ hữu ích đối với mình, chứ không phải là một cỗ máy tàn phá thời gian, sức khỏe và tiền bạc của mỗi người. Đừng quên nhờ bạn bè trên mạng xã hội trở thành những nhân tố thúc đẩy bạn nỗ lực đạt được mục tiêu của mình và thường xuyên nhắc nhở bạn các mốc thời gian trên hành trình “cai nghiện” facebook của bản thân qua ứng dụng này...

Và hãy nên nhớ có một thế giới rộng lớn, tuyệt vời hơn những dòng status, những cú like, những comment vô tri vô giác của bạn bè mà bạn thấy mỗi ngày trên trang News Feed của mình. Hãy sign out tài khoản Facebook của bản thân, tắt máy tính, bước chân ra ngoài cuộc đời và gặp gỡ mọi người trực tiếp. Hãy bắt đầu đề ra thói quen tập thể dục cho bản thân, tìm cho mình một sở thích riêng hay học một ngôn ngữ. Khi đã có một niềm đam mê ngoài đời thực, bạn sẽ thấy thế giới xung quanh còn nhiều điều thú vị để khám phá hơn là việc cả ngày chỉ “chúi mũi” vào facebook, với những người bạn mà nhiều khi bạn chẳng biết là ai rất nhiều!

Đăng tải các phát ngôn gây sốc, những bức hình ảnh khoe da thịt… để gây sự chú ý của nhiều người và để câu like trên mạng xã hội đang trở thành sở thích của giới trẻ. Đặc biệt phong trào “Nói là làm” trên facebook đang khiến nhiều học sinh gây ra hậu quả khôn lường. Mạng ảo nhưng hệ lụy thật đó là cảnh báo đối với học sinh, sinh viên trong quá trình tham gia vào mạng xã hội.
 
(Theo Giáo dục thời đại)

 


Ý kiến bạn đọc