Trường học Mỹ thí điểm hạn chế sử dụng mạng xã hội

15:00, 16/05/2017
|

Trước tình trạng học sinh ngày càng lơ là học hành do mải mê “lướt mạng”, các trường trung học ở TP Ma-đi-xơn (Madison) thuộc bang Uýt-cơn-xin (Wisconsin) của Mỹ đang thực hiện thí điểm chương trình chặn truy cập các trang mạng xã hội trong giờ học.

Tờ Wisconsin State Journal cho biết, chương trình thí điểm được thực hiện tại hai trường trung học cơ sở (THCS) Wright và Cherokee cùng hai trường trung học phổ thông (THPT) East và West. Học sinh tại 4 trường này không thể truy cập 34 ứng dụng, trong đó có Snapchat, Facebook, Instagram và Twitter bằng mạng không dây (wifi) của trường. Trong khi đó, hiện tại các trường tiểu học trong thành phố đều cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học và điện thoại di động bắt buộc phải được cất giữ trong tủ đồ cá nhân của học sinh.

Chúng tôi đang tìm cách không ngừng cải thiện môi trường học đường và kết quả học tập của học sinh. Trong đó có một cách làm là nỗ lực hạn chế sử dụng điện thoại di động và các ứng dụng mạng xã hội trong giờ học”, bà X.Grin (Cindy Green), cán bộ phụ trách giáo dục-đào tạo của TP Ma-đi-xơn nhấn mạnh.

 Một học sinh Trường THPT East vừa đi vừa sử dụng điện thoại di động tại trường. Ảnh: Wisconsin State Journal

Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường THPT East M.Héc-nan-đét (Mike Hernandez), những học sinh lơ là việc học nhất chính là các em hay đi bộ trong trường mà đầu lúc nào cũng cúi xuống, mắt dán chặt vào màn hình điện thoại di động. “Tôi gọi đó là hiện tượng xác sống biết đi”, M.Héc-nan-đét nhấn mạnh.

Tờ Wisconsin State Journal dẫn lời các quan chức TP Ma-đi-xơn cho hay, tại các cuộc họp bàn về tiến hành thực hiện chương trình thí điểm này, phần lớn các em học sinh đã nhận thức được sự cần thiết phải giảm việc lơ là học tập và mục đích chặn truy cập các ứng dụng xã hội là nhằm ngăn ngừa bạo lực học đường.

Tuy nhiên, không phải phản ứng nào từ phía học sinh cũng là tích cực. Chính ông M.Héc-nan-đét thừa nhận rằng, một số học sinh và phụ huynh đã lên tiếng phản đối, cho rằng chương trình thí điểm là một sai lầm. “Có người còn nói chúng tôi lẽ ra nên tập trung vào việc dạy các em học sinh sử dụng internet một cách có trách nhiệm. Ý kiến này là đúng. Thế nhưng đây là vấn đề có hai mặt. Chúng tôi cũng phải bảo đảm rằng các học sinh chú tâm học hành”, ông M.Héc-nan-đét khẳng định.

B.Xcan-lan (Brigit Stattelman-Scanlan), một học sinh năm cuối tại Trường THPT East, nói với tờ Wisconsin State Journal rằng, điện thoại di động khiến nhiều học sinh xao nhãng việc học nhưng lại là phương tiện hữu ích giúp các em giao tiếp, liên lạc với bạn học và gia đình. Đối với vấn đề này, bà X.Cla-đi (Sarah Chaja-Clardy), Hiệu trưởng Trường THCS Cherokee cho biết, các học sinh được bảo đảm vẫn có thể liên lạc với bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp mà không cần phải nhắn tin qua các ứng dụng trên điện thoại di động. “Phòng học nào cũng có điện thoại cố định và học sinh luôn được hoan nghênh sử dụng”, bà X.Cla-đi khẳng định.

Các nhà quản lý giáo dục của TP Ma-đi-xơn nhấn mạnh rằng, việc triển khai thực hiện chương trình thí điểm không đồng nghĩa với việc cản trở ứng dụng công nghệ trong dạy và học hay việc sử dụng điện thoại di động và các ứng dụng mạng xã hội một cách phù hợp. Trong thời gian thực hiện chương trình thí điểm, 4 trường trung học nói trên đều có hai mạng wifi khác hoạt động để giáo viên và học sinh có thể cùng sử dụng cho các mục đích học tập trong lớp.

Nếu được sử dụng đúng cách, điện thoại di động chính là những chiếc máy vi tính thu nhỏ mà chúng ta cất giữ trong túi quần, chứa đựng nguồn tài nguyên tri thức quý giá. Tôi đã thấy các thầy cô sử dụng điện thoại di động hỗ trợ phiên dịch cho các em học sinh không nói được tiếng Anh. Tôi cũng đã thấy học sinh tải và sử dụng ứng dụng trên điện thoại để vẽ đồ thị toán học”, Hiệu trưởng M.Héc-nan-đét của Trường THPT East chia sẻ.

Để chương trình thí điểm được triển khai hiệu quả, ban giám hiệu các trường đã nhờ sự hỗ trợ từ phía phụ huynh học sinh giám sát việc hạn chế truy cập các ứng dụng mạng xã hội của các em. Lý giải cho việc này, tờ Wisconsin State Journal cho biết, các nhà quản lý giáo dục lo ngại cho dù trường học ngắt kết nối wifi, nhưng nhiều học sinh vẫn có thể “lướt mạng” bình thường nếu tự các em hoặc chính phụ huynh bỏ tiền đăng ký mua các gói cước dữ liệu di động.

Các nhà quản lý giáo dục hy vọng giảm sự lơ là học hành của học sinh có thể giúp TP Ma-đi-xơn vạch ra được một chính sách đồng bộ hơn liên quan tới việc sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội trong trường học. Kết quả của chương trình thí điểm có thể giúp các em học sinh ý thức được sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội sao cho phù hợp cũng như làm thế nào để trở thành một “công dân tốt thời đại số” trong thế giới ảo. “Đây là chương trình "2 trong 1", bởi chúng tôi vừa quản lý việc sử dụng điện thoại di động, đồng thời cũng tìm cách hiểu được về công dân thời đại số và việc sử dụng đúng đắn các ứng dụng”, bà X.Grin trả lời tờ Wisconsin State Journal.

Theo QĐND.vn


Ý kiến bạn đọc