Làm video cho trẻ em: Nghề kiếm trăm triệu/tháng của Youtuber Việt

06:40, 27/05/2017
|

Thơ Nguyễn, NTN, Song Thư Channel hay Tiền Zombie v4 đều là những cái tên nổi tiếng trong cộng đồng Youtuber Việt, đều rất thành công và thu về lợi nhuận cao, và đều sản xuất video hướng tới đối tượng người dùng đông đảo nhất trên Youtube hiện nay: trẻ em.

Youtube là website chia sẻ video lớn nhất thế giới. Đối với đa số chúng ta, Youtube là nơi để giải trí, học tập hay nắm bắt những tin tức, xu thế mới của xã hội. Thế nhưng đối với không ít người, Youtube lại là công việc, là công cụ để họ kiếm tiền thông qua việc tạo ra video cho người khác xem. Cụ thể, nguồn thu của các Youtuber sẽ đến từ doanh thu mà họ có được qua quảng cáo xuất hiện khi người dùng xem video.

Cho phép người đăng tải video kiếm tiền từ nội dung của mình là một điều cơ bản mà Youtube có được ngay từ những ngày đầu thành lập. Vì rõ ràng, tiền sẽ là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy những nhà sáng tạo tiếp tục cống hiến những sản phẩm chất lượng, và từ đó thu hút những người khác đến với nền tảng chia sẻ video trực tuyến này.

Làm video cho trẻ em: Nghề kiếm trăm triệu/tháng của Youtuber Việt - Ảnh 1.

Youtube bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây​

Tuy nhiên tại Việt Nam, phải khoảng 5 năm trở lại đây, trào lưu Youtube mới bắt đầu nở rộ. Sự "chậm chân" này đến từ hai lý do chính (1) thời gian gần đây Google mới mở AdSense và cho phép Youtuber Việt kiếm tiền, và (2) sự phát triển của mạng xã hội, đi kèm với những công nghệ mới như thiết bị di động hay mạng cáp quang/3G/4G giúp người xem có thể dễ dàng stream video trực tuyến.

Kể từ đó đến nay, chúng ta đã được chứng kiến hàng loạt những trào lưu khác nhau. Bắt đầu là Vlog, tiếp theo đó phim/sitcom hài, gần đây là gaming và các beauty blogger, mỗi trào lưu này đều đã biến rất nhiều con người từ hết sức bình thường, bỗng chốc trở thành những tên tuổi nổi tiếng, chỉ bằng việc chia sẻ những quan điểm và tài năng của mình - điều mà họ sẽ không bao giờ có thể làm được nếu không có sự tồn tại của Youtube.

Làm video cho trẻ em: Nghề kiếm trăm triệu/tháng của Youtuber Việt - Ảnh 2.

Trần Đức Việt, hay còn được biết đến với cái tên Jvevermind​ được coi là Youtuber thành danh đầu tiên tại Việt Nam

Trẻ em: Mỏ vàng mới của các Youtuber

Thời gian gần đây, một trào lưu tiếp theo, đi kèm với một thế hệ Youtuber mới đã bắt đầu được nhen nhóm và nở rộ. Khác với các trào lưu trước đây, trào lưu mới này không hướng đến một lĩnh vực cụ thể nào, mà thay vào đó là hướng tới một đối tượng người xem nhất định. Và đó là đối tượng trẻ em. Hay nói một cách cụ thể hơn, những người có độ tuổi dưới 18.

Một số channel lớn trong lĩnh vực này có thể kể đến Thơ Nguyễn, KN Channel, Song Thư Channel, NTN Vlogs, Tiền Zombie v4, POPS Kids, AnAn ToysReview TV... Theo những gì tôi ghi nhận từ bảng xếp hạng top 50 kênh Youtube tại Việt Nam với lượng subscriber lớn nhất, có ít nhất 15 kênh đang sản xuất các video dành cho trẻ em, hoặc hướng tới trẻ em là đối tượng xem chính.

Trong đó, Thơ Nguyễn - channel dành cho trẻ em nổi bật nhất hiện nay đang có 1,4 triệu subscribers, mỗi video trung bình có khoảng 1 đến 2 triệu lượt xem. Thậm chí, một số video đã đạt hơn 5 triệu lượt xem với hàng chục ngàn lượt bình luận. Hiện tại theo số liệu của SocialBlade, Thơ Nguyễn đang là channel lớn thứ 8 tại Việt Nam. Điều đáng nói là: tất cả thành tích trên đều được tạo dựng trong vòng chưa đầy 1 năm. Phải đến ngày 13/6/2017 tới đây, channel này mới sinh nhật tròn 1 tuổi.

Trong chưa đầy 1 năm, Thơ Nguyễn đã trở thành channel Youtube lớn thứ 8 tại Việt Nam

Chính điều này đã đem lại nguồn doanh thu "khủng" cho các channel. Theo anh H. - chuyên gia trong lĩnh vực phát triển kênh Youtube, một channel với lượng view và tương tác như Thơ Nguyễn có thể đạt doanh thu tối thiểu từ 10.000 đến 15.000 USD/tháng, mặc cho việc lượt xem đến từ Việt Nam không được Youtube đánh giá cao nên đem lại nguồn thu thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Anh cũng cho biết: "Với tốc độ phát triển khủng khiếp như hiện nay, việc Thơ Nguyễn trở thành channel Youtube số 1 Việt Nam là điều hoàn toàn có thể".

Mỗi video của Thơ Nguyễn trung bình có khoảng 1-2 triệu lượt xem. Một số video nổi bật có thể lên đến 5-8 triệu

Cần lưu ý rằng, mức lợi nhuận trên chỉ là một con số phỏng đoán. Sở dĩ tôi không thể đưa ra con số chính xác, cũng như nêu tên của vị chuyên gia này, là do điều khoản của Youtube nghiêm cấm việc các Youtuber công bố doanh thu của mình. Mặc dù vậy, anh này cũng "bật mí" với tôi rằng: anh đang sở hữu một channel với hơn 500.000 subscribers và đạt được doanh thu khoảng 5.000 USD/tháng.

Bên cạnh quảng cáo AdSense từ video, các Youtuber còn thu về nhiều khoản lợi nhuận khác. Ví dụ, các đối tác trong nước có thể ký kết hợp đồng với các Youtuber này để họ giới thiệu và sử dụng sản phẩm (ví dụ như đồ ăn, đồ chơi) đến với các em nhỏ. Tùy vào độ lớn của kênh cũng như độ công phu của video mà Youtuber có thể kiếm được ít nhất từ 10-20 triệu đồng/hợp đồng.

Youtuber Thơ Nguyễn mở hẳn shop kinh doanh các sản phẩm đồ ăn được giới thiệu trong video (Ảnh: Thơ Nguyễn)

Hay với Thơ Nguyễn, Youtuber này đã quyết định mở hẳn một cửa hàng mang tên "Thơ Nguyễn Family Shop" để kinh doanh các sản phẩm được giới thiệu trên video. Cá nhân tôi đã gặp không dưới 3 trường hợp các em nhỏ đòi bố mẹ mua những món ăn, đồ chơi được lan truyền trên các kênh Youtube dành cho trẻ em tại Việt Nam, vậy nên tôi phỏng đoán rằng doanh thu mà cửa hàng này mang lại là không hề nhỏ. "Sinh nhật mua gì không mua, nó bảo chị mua cái kẹo thối này. Nó xem cô gì trên điện thoại ấy. Ăn chẳng ra đâu mà mất 250 nghìn." - một bà mẹ ngán ngẩm chia sẻ với tôi khi cậu con trai của chị cứ nằng nặc đòi mua... kẹo thối (Bean Boozled) sau khi xem clip trên Youtube.

Tại sao làm video cho trẻ em lại dễ thành công?

Anh H. cho biết, các channel dành cho trẻ em rất dễ thành công do đây là đối tượng xem video trên Youtube nhiều nhất. "Các em hiện đang trong lứa tuổi đi học nên sau giờ học có rất nhiều thời gian rảnh để lên mạng. Hiện tại gần như em nào cũng đã có máy tính riêng, thậm chí là cả smartphone, vậy nên việc tiếp cận với các dịch vụ như Facebook hay Youtube là rất dễ dàng. Lứa tuổi này lại rất tò mò nữa. Đây là những điều mà người lớn không có, đặc biệt là thời gian."

Em trai tôi là một fan "ruột" của Youtuber Thơ Nguyễn

Anh cũng bổ sung thêm, do đây là tuổi mới lớn nên các em thường tự tạo thần tượng cho riêng mình. Nếu dẫn chương trình của video có sức hút, đánh trúng tâm lý của các em nhỏ thì các em sẽ rất thích và gắn bó với kênh. Lượng view và tương tác video vì thế cũng sẽ rất ổn định.

Một lợi thế về mặt nội dung của những channel dành cho trẻ em là họ không bị giới hạn ở một lĩnh vực cụ thể nào. Họ có thể làm bất kỳ điều gì mà họ cảm thấy sẽ "hút" view, ví dụ như video chơi một game đang thịnh hành, ăn một món ăn đang "hot", review đồ chơi, hướng dẫn cách chế tạo một đồ vật (hoặc một món ăn), hay thậm chí chỉ là... phát phim hoạt hình cả ngày. Điều này giúp cho các Youtuber không bao giờ cạn ý tưởng và có thể liên tục duy trì được sức hút với các em nhỏ.

AnAn ToysReview TV - kênh chuyên review đồ chơi​

KN Channel - một kênh kết hợp giữa review đồ chơi và hoạt hình 3D​

Tiền Zombie v4 - một kênh chủ yếu là nội dung gaming nhưng vẫn xen lẫn những clip về đời sống​

Ví dụ điển hình có thể kể đến anh chàng Nguyễn Thành Nam, hay còn được biết đến với biệt danh NTN. Nam sở hữu đến ba kênh Youtube khác nhau bao gồm NTN Vlogs, Monster NTN và Funny Game với tổng lượt subscribers lên đến gần 2 triệu. Mỗi kênh lại có một nội dung khác nhau, từ thử thách ăn uống, pha trò với người khác (prank), gaming cho đến chia sẻ về cuộc sống nói chung (vlogs). Lĩnh vực trải rộng, nhưng cho dù anh chàng này có làm video về cái gì đi chăng nữa, nó cũng thu hút được sự quan tâm rất lớn của các bạn trẻ.

Nguyễn Thành Nam được các bạn trẻ săn đón, xin chữ ký mỗi khi xuất hiện tại những nơi công cộng (Ảnh: NTN Vlogs)

Vẫn còn những mặt trái, phụ huynh cần cảnh giác

Do đều dưới sự quản lý của Youtube, kèm theo nhận thức về tầm ảnh hưởng của mình, phần lớn các kênh Youtube hiện nay đều sản xuất những nội dung lành mạnh và không khiến chúng ta phải quá lo ngại. Sở dĩ tôi nói rằng "phần lớn" là vì đã có một số trường hợp xấu xảy ra. Nghiêm trọng nhất có lẽ là vụ việc "Spiderman Elsa" với những video clip có nội dung phản cảm mà hẳn không ít người trong chúng ta vẫn nhớ.

Những hình ảnh phản cảm trong loạt clip "Spiderman Elsa" từng khiến cộng đồng bất bình cách đây vài tháng trước​

Hay, Youtuber "NTN" Nguyễn Thành Nam mà tôi đề cập ở trên cũng đã từng bị công an triệu tập sau khi tung ra video clip đóng giả nhóm khủng bố IS và đặt bom (giả) tại các địa điểm công cộng, gây hoang mang cho người dân và tạo tiền lệ xấu cho các em nhỏ.

Video giả làm khủng bố ném bom từng được đăng lên kênh Monster NTN

 Nguyễn Thành Nam tại cơ quan công an. (Ảnh: ANTV)
Nguyễn Thành Nam tại cơ quan công an. (Ảnh: ANTV)

Nguyễn Thành Nam tại cơ quan công an. (Ảnh: ANTV)

Bên cạnh một số trường hợp tiêu cực rõ ràng như trên, việc bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các Youtuber cũng gây nên một số "tác dụng trái chiều" đối với các em nhỏ. Hệ lụy thường thấy nhất là các em chểnh mảng học hành, thậm chí có em quên ăn, quên ngủ vì... xem Youtube quá nhiều. Một số video vẫn còn ẩn chứa những hình ảnh hoặc từ ngữ không thật sự phù hợp, gây ảnh hưởng đến suy nghĩ và tâm lý của trẻ em.

Hình ảnh được cắt từ một video Youtube của Thơ Nguyễn đang được lan truyền trên mạng xã hội gần đây

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh vẫn cần có những biện pháp theo sát con em mình, nhằm tránh tình trạng các em tiếp xúc với nguồn nội dung độc hại trên Youtube. Phụ huynh có thể theo dõi các video mà con em mình đã xem thông qua mục "Lịch sử" được tích hợp sẵn trên Youtube phiên bản web hoặc ứng dụng smartphone. Khi thấy channel có nội dung không phù hợp, phụ huynh cần tiến hành bỏ đăng ký (unsubscribe) kênh ngay lập tức và khuyên giải, nhắc nhở cho con cái hiểu.

Bạn có thể dễ dàng theo dõi danh sách các video mà con cái đã xem thông qua mục "Lịch sử"

Nếu như phụ huynh có vốn hiểu biết về smartphone, họ cũng hoàn toàn có thể cài đặt ứng dụng Youtube Kids, được Google phát triển dành riêng cho trẻ em và chỉ hiển thị các video với nội dung an toàn. Rất tiếc, do ứng dụng này hiện chưa có mặt trên App Store/Play Store Việt Nam, người dùng sẽ chỉ có thể cài đặt thủ công qua file IPA/APK.

Theo Tri thức trẻ


Ý kiến bạn đọc