(VnMedia) - Công ty máy bay Tupolev của Nga đã bàn giao thêm một máy bay ném bom mang tên lửa tầm xa Tu-22M3 cho Lực lượng Không quân Vũ trụ nước này. Đó là thông tin vừa được Văn phòng báo chí của công ty đưa ra hồi cuối tuần qua.
”Ngày 30/11, chiến đấu cơ này đã rời trường ba thử nghiệm của Doanh nghiệp Máy bay Kazan, một chi nhánh của Công ty Tupolev. Máy bay ném bom Tu-22M3 đã trải qua một đợt đại tu quy mô lớn tại xưởng của công ty”, văn phòng báo chí trên cho biết.
Tupolev Tu-22M, có tên NATO: Backfire là một máy bay ném bom tấn công trên biển, siêu thanh, cánh cụp cánh xoè tầm xa được phát triển tại Liên bang Xô viết.
Chiếc Tu-22M3 là một biến thể được nâng cấp từ Tu-22M. Nó có tên hiệu NATO là Backfire C.
Tu-22M3 được trang bị động cơ NK-25 mới với công suất lớn hơn, cửa hút gió hình nêm giống của MiG-25, cánh với góc chéo tối đa lớn hơn, và một mũi hếch đặt radar Leninets PN-AD.
Súng đuôi của Tu-22M3 được sửa chỉ còn một khẩu, và có chỗ sẵn cho việc lắp đặt bệ phóng quay cho loại tên lửa AS-16 'Kickback', tương tự loại AGM-69 SRAM của Mỹ.Có thiết kế hệ thống hoa tiêu/tấn công NK-45, cải thiện khả năng bay tầm thấp (dù không thực sự là kiểu bay nap-of-the-earth).
Máy bay này được chế tạo theo nguyên lý máy bay đa chế độ. Đặc biệt, Tu-22M3 được thiết kế với 2 cánh thay đổi được hình dáng giúp máy bay thuận lợi hơn khi đạt tốc độ cao.
2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Kuznetsov NK-25 cho tốc độ bay vượt âm Mach 1,88 (tức 2.000km/h), bán kính chiến đấu 2.410km, trần bay 13.300m được lắp đặt trong máy bay Tu-22M3 này.
Dù có kích thước nhỏ hơn Tu-160 và Tu-95, chiếc oanh tạc cơ này vẫn có thể chở theo gần 24 tấn vũ khí.
Máy bay cũng được trang bị hệ thống vô tuyến điện tử và dẫn đường rất mạnh. Việc có hệ thống tự động được trang bị trên máy bay giúp cho công việc của phi công được nhàn hơn trong việc điều khiển. Được thiết kế với tên lửa hành trình có cánh Kh-22 có tầm bắn đến 500km và tốc độ đến 4.000km/h và tên lửa Kh-15 có tầm bắn đến 250 Km và tốc độ đến 5.000 Km/h.
Hai loại tên lửa này đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.Tu-22M3 có thể bay chặng dài với tốc độ vượt âm liên tục.
Tu-22M3 cũng mang theo các loại bom không dẫn đường thông thường gồm 20 bom FAB-250 hoặc 8 bom FAB-1500. Dunarit - công ty sản xuất các loại bom OFAB-250-270, cho biết "vũ khí này dùng để phá hủy các cơ sở công nghiệp, quân sự, nút giao thông đường sắt, sinh lực địch trên địa hình trống trải và các loại xe bọc thép hạng nhẹ, xe tải đang hành quân".
Tu-22M3 là phiên bản cuối cùng của dòng Backfire hiện vẫn đang phục vụ trong không quân Nga. Được phát triển từ dòng Tu-22 kém tinh vi hơn rất nhiều, Tu-22M là sự lột xác hoàn toàn về thiết kế.
Theo chuyên gia Dave Majumdar của National Interest, khi Tu-22M3 ra đời, Mỹ không hề có bất cứ loại máy bay nào tương đương về tính năng và vai trò. Loại tiệm cận nhất mà Mỹ có thể đem ra so sánh là B-1B Lancer, vốn đã bị gỡ bỏ chức năng tấn công hạt nhân thời hậu Chiến tranh Lạnh. Một loại máy khác có vai trò tương tự là biến thể ném bom chiến lược đã bị cho về hưu FB-111.
Nhiều khả năng chiến dịch không kích ở Syria là màn trình diễn cuối cùng của Tu-22M3, bởi nó sẽ sớm được thay thế bởi máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới PAK-DA hoặc thậm chí là Tu-160M2, biến thể sẽ được Nga tái sản xuất năm 2023.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc