(VnMedia) - Thành phố vô cùng náo nhiệt, thành phố không ngủ, thành phố tất bật… là những cái tên luôn được mọi người nghĩ đến đầu tiên khi nghe hai chữ Sài Gòn. Nhưng mọi người sẽ thấy rằng, đó chỉ là một trong muôn mặt của Sài Gòn khi ghé chân tới những điểm du lịch, phố xá thương mại. Có một Sài Gòn khác, Sài Gòn cổ kính, trầm mặc và sống chậm ngoài kia, mà vô tình khi bận rộn, ta đã lướt qua.
Nếu có dịp ghé tới mảnh đất 4 mùa đều nắng, hãy thưởng thức một ly cà phê, ngắm mưa hoàng hôn và dạo chân chầm chậm ở những “ngõ vắng xôn xao” lá me để hiểu kỹ hơn về Sài Gòn và yêu hơn mảnh đất này...
Điều đầu tiên phải nhấn mạnh về Sài Gòn là dù náo nhiệt, nhưng quỹ xanh của thành phố khá nhiều. Nếu chúng ta từng khen Singapore là thành phố trong rừng, thì cũng phải tâm đắc rằng, khoảng xanh ở thành phố lớn nhất cực Nam của chúng ta cũng không ít. Cứ chạy xe chầm chậm dọc các con phố, sẽ thấy khá nhiều các vườn hoa và cây bóng mát trải dài.
Phương Nguyên
Sài Gòn chia thành hai mùa tương phản, mùa mưa và mùa khô. Từ cuối tháng 4 hàng năm tới hết tháng 10 dương lịch, Sài Gòn thường sáng nắng chiều mưa, lúc này là mùa mưa của thành phố này. Và mùa mưa, cây cối xanh mát, nở hoa tưng bừng. Đó cũng là lúc cứ ra đường, dù nắng chói chang, nhưng chỉ cần ghé bóng râm, là có thể dễ dàng ngồi đọc sách, uống trà hay nhâm nhi li cà phê mà không còn thấy sự oi bức và nóng nực nữa. Có lẽ vì vậy mà tính cách của người Sài Gòn khá xởi lởi, họ nói nhiều, cười nhiều và lúc nào cũng sẵn lòng làm ly trà đá giải nhiệt.
Nói đến Sài Gòn và sự hiện đại hóa, phải nói đến những tiểu khu buôn bán kiểu “buôn có bạn, bán có phường”. Trước, Sài Gòn nổi tiếng bởi những khu chợ như Bến Thành, Tân Định, An Đông.. Nay, dù các khu chợ truyền thống vẫn tiếp tục sầm uất, nhưng Sài Gòn cũng đang tiếp cận và có những mô hình chợ mới, vừa hiện đại sạch sẽ lại vừa đa dạng hàng hóa với mức giá rất rẻ. Các tiểu khu như Saigon Square, Taka Plaza, Ruby Plaza… đang là điểm đến cho khách mua sắm trung cấp, bên cạnh những khu mua sắm cao cấp như Takashimaya. Bước chân vào những khu vực mới - được coi là “One Stop Shops” này, chắc người mua dễ dàng lạc lối và khó lòng đi về tay không.
Đô thị sầm uất đang đổi mới từng ngày
Nhưng cứ lách qua những cao ốc mặt phố, là lại thấy những ngõ nhỏ hiền hòa trải dài, với cuộc sống khá là chậm rãi và hiền hòa.
Và ngay sau con ngõ ngoằn ngoèo với nhiều hoa nở, mùi thức ăn cùng tiếng gà kêu cục tác, chó chạy loanh quanh, sẽ nhìn thấy một mặt sông hiền hòa mở rộng. Sài Gòn vốn nổi tiếng ngày xưa về những con kênh, và nay, tuy kênh rạch khá hiếm hoi, nhưng cũng không khó bắt gặp.
Như mọi miền của đất nước Việt Nam, người Việt tin vào tâm linh, nên đi đường, vô tình bắt gặp các ngôi miếu, ngôi chùa là nhân duyên thường thấy. Chùa hoặc Miếu ở Sài Gòn đa phần xây theo kiến trúc khá hiện đại và nhiều màu sắc. Tuy nhiều màu sắc, nhưng sự thanh tịnh và trang nghiêm ở những chốn này làm khách thập phương luôn phải cúi đầu và tự chỉnh trang trước khi bước vào dâng hương cầu phúc.
Những hình ảnh trang hoàng thành kính thường được thấy tại các ngôi chùa vào mỗi dịp lễ tết.
Nếu ở quận 5, các ngôi chùa thiên về phong cách Tàu, thì ở các quận còn lại, chùa mang nhiều ảnh hưởng của các địa phương khác như Đà Nẵng, Huế hoặc Hà nội. Ngôi Chùa giữa sông Sài Gòn này mang đậm phong cách Tàu với nghệ thuật lát ngói âm dương và khảm sành sứ điêu luyện.
Toàn bộ từ cổng Tam Quan, mái đầu đao cho đến nội điện được khảm và cẩn sành, sứ đa sắc với sự điêu luyện đầy mỹ thuật với độ tinh tế cao. Ngoài các bát nhang thông thường, người dân miền Nam đi lễ còn dâng nhang vòng lớn để cầu an và cầu siêu cho gia tộc. Thông thường, những vòng nhang này sẽ cháy được khá lâu, vòng lớn nhất được phủ Quan Công làm vào tháng Giêng, có thể thắp được tới 60 ngày.
Ý kiến bạn đọc