Mỹ bất ngờ ra đòn hiểm răn đe Triều Tiên

10:34, 17/08/2017
|

(VnMedia) - Mỹ vừa tiến hành nâng cấp các hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot được triển khai ở Hàn Quốc trong bối cảnh các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đang ngày một gia tăng.

Theo kênh truyền hình KBS TV, Sư đoàn Pháo Phòng Không 35 của Lục quân Mỹ đã hoàn tất chương trình cải tiền các hệ thống đanh chặn Patriot trong vòng 8 tháng, theo đó, các hệ thống cũ sẽ được thay thế và các công nghệ hiện đại sẽ được ứng dụng.

Hiện, binh sỹ Mỹ đang sử dụng 12 tên lửa Patriot phiên bản PAC-2 và PAC-3 ở Hàn Quốc, kênh truyền hình KBS TV cho hay.

MIM-104 Patriot là tên đầy đủ của hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tầm xa được nhiều "ông lớn" về quân sự trên thế giới ưa chuộng - Patriot. Hệ thống tên lửa này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.

 

 

Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70 - 160 km, trần bắn cao nhất lên đến 24km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), tương đương gần 6.200 km/h.

Sở hữu hệ thống radar theo dõi giai đoạn để đánh chặn mục tiêu có hiệu suất cao cùng với những tên lửa thông minh, Patriot có khả năng cùng một lúc bắt và nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau, liên tục theo sát được tối đa 8 mục tiêu.

Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau như Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3. Các tên lửa này được phóng đi và thu thập thông tin của mục tiêu gửi về trạm radar mặt đất. Từ đó các sĩ quan điều khiển sẽ tính toán và vạch hướng tấn công gửi trở lại cho các tên lửa thực hiện.

Những thế hệ tên lửa dẫn đường của Patriot đã được cải tiến rất nhiều từ khi ra đời với những mục đích sử dụng cũng được thay thế. Thế hệ mới nhất của các tên lửa dẫn đường là PAC-3, với nhiều cải tiến về kĩ thuật cũng như hình dáng để đối phó với các tên lửa chiến thuật và máy bay ngày càng hiện đại, tinh vi hơn.

Cha đẻ của Patriot là các Cty Raytheon, Lockheed Martin và Fire Control có trụ sở tại Massachusetts và Florida, Mỹ. Hiện nay hệ thống tên lửa hiện đại này không chỉ được sử dụng trong Không quân Mỹ mà còn một số nước đồng minh khác như Ai Cập, Đức, Hy Lạp, Israel, Nhật Bản, Hà Lan, Arab Saudi...

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang cao độ sau khi Bình Nhưỡng liên tục thực hiện hai vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tháng Bảy. Trong những ngày qua, Mỹ và Triều Tiên thường xuyên đưa ra những lời đe dọa sắc lạnh về khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh. Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ khiến Triều Tiên phải hứng chịu “cơn thịnh nộ và hỏa lực mà thế giới chưa từng chứng kiến”.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam hoặc các mục tiêu của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Mỹ và Triều Tiên thậm chí đều đã công bố kế hoạch tấn công nhau. Với những hành động bất thường mới nhất từ Bình Nhưỡng và Washington, không có gì lạ khi cộng đồng thế giới đặc biệt quan ngại về viễn cảnh bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Trước tình hình trên, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí sẽ gia tăng áp lực lên Triều Tiên, tuyên bố, các biện pháp đáp trả sẽ bao gồm tăng cường tập trận, và triển khai thêm các loại vũ khí chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc, trong đó có hệ thống THAAD.

Đan Khanh  (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc