(VnMedia) - Tuy chưa chính thức lên sóng nhưng 'Sống chung với mẹ chồng' đã có sức hút rất lớn với khán giả. Để đáp ứng sự mong mỏi đó, Đài Truyền hình Việt Nam quyết định điều chỉnh lịch phát sóng 32 tập phim với thời lượng và tần xuất dầy hơn dự kiến ban đầu. Cụ thể, phim sẽ được phát sóng lúc 20h45 trong 3 ngày liên tiếp: thứ 4, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1, bắt đầu từ ngày 5/4/2017.
“Sống chung với mẹ chồng” – “Cuộc nội chiến tâm lý” nóng bỏng, luôn là đề tài hấp dẫn được khai thác dưới nhiều góc cạnh độc đáo. Do đó, tuy mới chỉ tung ra trailer trích đoạn và chưa chính thức lên sóng nhưng "Sống chung với mẹ chồng" đã tạo ra sức hút rất lớn với khán giả truyền hình. Nhiều diễn đàn đã được lập ra để thảo luận, nhiều quan điểm, ý kiến, nhiều phỏng đoán cũng được khán giả tỏ bày...
Các nhân vật trong cuộc “Sống chung với mẹ chồng”: mẹ chồng, con trai và nàng dâu, ai là người sẽ thực sự đem lại hạnh phúc, sự ấm êm cho ngôi nhà chung? Với người mẹ, họ có sẵn sàng chia sẻ tình yêu con trai vô bờ bến của mình cho cô con dâu mới về kia không? Với nàng dâu, cô đã sẵn sàng bước vào cuộc sống chung mới, trở thành tình yêu của cả mẹ và chồng mình? Còn với chàng trai, người đàn ông duy nhất giữa 2 người đàn bà, anh sẽ làm gì để giữ gìn chữ hiếu bên cạnh chữ tình một cách hoàn hảo?
32 tập phim “Sống chung với mẹ chồng” khéo léo đưa đến một sự thật mà ít người để ý tới: Trong mối quan hệ của 2 chủ thể chính là mẹ chồng – nàng dâu, người con trai đóng vai trò quan trọng nhất. Đối mặt với sự khủng hoảng của mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, một người đàn ông được đánh giá là thông minh, bản lĩnh khi anh ta hiểu rằng sẽ không có một sự lựa chọn nào là hợp lí giữa hai người phụ nữ quan trọng nhất của cuộc đời mình. Và chắc chắn nếu là một người đàn ông bản lĩnh, họ sẽ không bao giờ để mẹ và vợ phải cảm nhận sự tổn thương khi không được lựa chọn.
32 tập phim “Sống chung với mẹ chồng” không xây dựng “cuộc chiến” mẹ chồng nàng dâu nhằm gây ra những suy nghĩ trái chiều của khán giả đối với 2 người phụ nữ. Với “Sống chung với mẹ chồng”, mối quan hệ này không có “đúng – sai”, không có nhân vật “chính diện hay phản diện”. Bộ phim để cho khán giả tự mình lựa chọn họ sẽ đứng ở vị trí của bà mẹ chồng hay của cô con dâu, từ đó đưa ra cách nhìn và lối sống phù hợp. Đôi khi chỉ một thay đổi nho nhỏ trong lời ăn tiếng nói, cách hành xử, thì cả mẹ chồng và nàng dâu đều có thể dễ dàng “sống chung” hoà thuận.
Huệ Mẫn
Ý kiến bạn đọc