(VnMedia) - Một hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn mới sẽ được đưa vào biên chế của Lực lượng Vũ trang Nga trước năm 2030.
Cụ thể, thát biểu tại một hội thảo quân sự và kỹ thật tại thành phố Izhevsk hôm 23-3, Trung tướng Oleg Salyukov, tư lệnh lực lượng mặt đất Nga đã công bố kế hoạch phát triển một hệ thống phòng không tầm ngắn và biên chế cho lục quân vào các năm 2030-2035 nhưng ông không cho biết chi tiết.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia quân sự kiêm Tổng biên tập Tạp chí Arsenal Otechestva của Nga, ông Viktor Murakhovsky tiết lộ rằng, khả năng cơ động sẽ là một trong những đặc điểm chính của hệ thống phòng không này.
“Các hệ thống phòng không cho binh lính không nên được triển khai tại các vị trí cố định. Nhiệm vụ chính của chúng là bảo vệ các đơn vị mặt đất tiền phương chống lại bất kỳ mối đe dọa nào”, ông Murakhovsky nói.
Hơn thế, chuyên gia trên còn cho biết. “Hệ thống phòng không tầm ngắn mới sẽ được trang bị trên khung gầm hiện đại của xe tăng T-14 Armata và xe bọc thép chiến đấu bộ binh Kurganets-25 BMP, khi di chuyển hoặc khi chiến đấu”.Bên cạnh đó, theo ông, các xe quân sự bánh hơi không thể theo kịp các xe tăng khi di chuyển trên địa hình gồ ghề, đó là lý do tại sao các hệ thống phòng không cho binh lính của Nga, theo một nguyên tắc, phải được đặt trên khung gầm bánh xích.
Ngoài ra, hệ thống mới này cần phải có khả năng vừa di chuyển vừa nhả đạn, tương tự như hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn hiện đại Tor-M2 của Nga. Hệ thống này có thể đồng thời phát hiện hơn 40 mục tiêu, theo dõi và tấn công 4 trong số các mục tiêu đó ở khoảng cách gần 8km và độ cao 6,5km.
Hệ thống này dự kiến sẽ là phiên bản nâng cấp của hệ thống Sosna.
Hệ thống Sosna dự kiến sẽ thay thế các hệ thống phòng không tầm ngắn Strela-10M hiện đang được biên chế trong các lực lượng mặt đất Nga.
Armata là loại xe tăng tác chiến chủ lực mới mang đặc tính kỹ-chiến thuật ưu việt như hệ thống tự động lên đạn, biên chế kíp lái và đầu đạn tác chiến mới.
Đặc điểm chính của xe tăng mới là tháp pháo được điều khiển từ xa với kíp lái gồm 3 thành viên được bố trí ngồi ở một khoang bọc thép riêng biệt ở phía trước của thân xe tăng, tách khỏi khoang động cơ và khoang đạn. Khoang này được thiết kế để chịu đựng được những đòn hỏa lực trực diện của kẻ thù. Theo nhà sản xuất xe tăng Armata, hệ thống bảo vệ hiện đại giúp tăng độ an toàn cho kíp lái, đồng thời tăng hiệu quả bắn phá và có được sự linh hoạt trong khi chiến đấu.
Những đặc tính công nghệ và kỹ thuật được sử dụng trong thiết kế của xe tăng Armata khiến nó trở thành thứ vũ khí “độc cô cầu bại” so với vũ khí cùng loại của phương Tây.
Được trang bị hệ thống tên lửa "khủng" này, xe tăng Armata sẽ càng trở nên đáng sợ đối với các kỳ phùng địch thủ của Nga.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc