(VnMedia) - Một thực tế cho thấy, hiện nay nhà báo không thể không tham gia mạng xã hội. Và với vai trò của mình, nhà báo phải chuẩn mực, trách nhiệm, trong việc tuyên truyền, hướng dẫn dư luận xã hội..., TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.
Qua thực tế cho thấy mạng xã hội đang ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như tạo thành một nguồn cung cấp thông tin trong xã hội.
Sự phát triển của mạng xã hội vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng không ít cạnh tranh, khó khăn, thách thức cho sự phát triển của báo chí. Việc phát triển phù hợp với những thay đổi của mạng xã hội cũng là cần thiết với việc phát triển báo chí hiện nay, đó là cần thiết và tất yếu.
Tại buổi tọa đàm “Làm báo trong môi trường cạnh tranh với mạng xã hội” do Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức ngày 29/3/2017, TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam đã chia sẻ sâu hơn về nghiệp vụ làm báo trong môi trường cạnh tranh với mạng xã hội.
TS. Trần Bá Dung trao đổi nghiệp vụ với các hội viên (thứ tư từ trái sang). Ảnh:KN |
Tại buổi tọa đàm. Ảnh:KN |
TS. Trần Bá Dung trao thẻ hội viên Hội Nhà báo VN cho các hội viên trực thuộc Liên chi hội Nhà báo TT&TT . Ảnh:KN |
Các hội viên Chi hội Tạp chí Xã hội Thông tin nhận thẻ hội viên. Ảnh:KN |
Các hội viên Báo điện tử VnMedia nhận thẻ hội viên. Ảnh:KN |
Theo TS. Trần Bá Dung, mạng xã hội vừa là đối tác vừa là đối thủ. Đối tác ở chỗ mạng xã hội là nguồn tin phong phú, đầu tiên, đa chiều cho các nhà báo, là nơi chia sẻ tin tức phong phú nhất; Là kênh thông tin rộng rãi nhất, nắm bắt người dân, công chúng thích cái gì, giúp nhà báo nắm bắt nhu cầu công chúng biết gì, thích gì, chiều hướng dư luận để có thể hình dung mình có thể làm gì; Là một kênh phát hiện ra sai sót của báo chí rất nhiều. Nhiều người, trong đó có chuyên môn sâu tham gia mạng xã hội giúp phát hiện lỗi cho nhà báo mà không phải diễn đàn nào cũng nêu được; Là kênh góp ý kiến, phản biện các chủ trương, chính sách với nhiều ý kiến phản biện sắc sảo, hay.
Bỏ qua mạng xã hội cũng là bỏ qua một nguồn trí tuệ, một kênh giúp nhà báo thêm sự tỉnh táo, sâu sắc; Giúp nhà báo tìm hiểu, ghi nhận thông tin sinh động cho bài báo, bởi những người tham gia mạng xã hội thường có một góc nhìn, một hình ảnh sinh động hơn, mà nhà báo có thể chắt lọc; Giúp nhà báo nâng cao khả năng, kỹ năng của nhà báo, về tương tác với đồng nghiệp. Mạng xã hội cũng là một kênh quảng bá nội dung, phát triển thương hiệu cho tòa báo. Nhiều bài đưa lên mạng đã được lan tỏa.
Mạng xã hội là đối thủ, vì tăng áp lực cho nhà báo trong khả năng phát hiện, tìm kiếm thông tin. Chậm chân một chút là nhà báo mất điểm, thành thừa; Tốc độ lan truyền của mạng xã hội nhanh hơn báo chí rất nhiều; Khả năng kiểm định thông tin và xử lý khủng hoảng truyền thông.
Mạng xã hội cũng đặt ra cho mỗi nhà báo cần ứng xử thế nào với các thông tin đang tràn ngập, thiếu kiểm chứng như hiện nay. Bởi trên thực tế, đã có nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã bị Bộ TT&TT xử phạt vì những thông tin copy trên mạng xã hội nhưng thiếu quy trình kiểm chứng lại nguồn tin.
TS. Dung cho rằng, với nhà báo chuyên nghiệp thì không bao giờ hết việc. Sự tồn tại của cơ quan báo chí vẫn cần thiết trong xu thế bùng nổ mạng xã hội, bởi có những vấn đề trên mạng xã hội không bao giờ đảm đương được. Mạng xã hội không bao giờ đi giải thích đường lối chính sách, việc tuyên truyền bao giờ cũng cần cơ quan báo chí...
Trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được triển khai thực hiện từ 1/1/2017 cùng với việc thực hiện Luật Báo chí 2016, có Điều 5: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.
Cũng theo TS. Trần Bá Dung, trong môi trường cạnh tranh này, mạng xã hội là một hiện thực rất vui và đau đầu đối với mỗi nhà báo, liên quan đến cả chuyên môn và đạo đức của người làm báo...
Một thực tế cho thấy, hiện nay nhà báo không thể không tham gia mạng xã hội. Và với vai trò của mình, nhà báo phải chuẩn mực, trách nhiệm, trong việc tuyên truyền, hướng dẫn dư luận xã hội. Quan điểm, hình ảnh, phát ngôn của nhà báo trong bài viết, và trên mạng xã hội phải thống nhất.
Để cạnh tranh với mạng xã hội, TS. Trần Bá Dung cho rằng, với báo điện tử hãy chú ý nhiều tính đa phương tiện. Nếu không làm được, thì tác phẩm mất tính hiệu quả. Theo đó, có 11 nội dung về tính đa phương tiện dành cho báo điện tử cần quan tâm: Văn bản (text), Hình ảnh tĩnh, hình ảnh động (slideshow), đồ họa (infographic); âm thanh (âm thanh); Video (clip); Tương tác (Interactive), Timeline, Map, Live, Links.
Cũng nằm trong khuôn khổ hoạt động của Liên chi hội nhà báo TT&TT, thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, TS. Trần Bá Dung đã trao thẻ hội viên Hội nhà báo Việt Nam 2017 - 2021 cho các hội viên, đại diện cho các Chi hội thuộc Liên chi hội nhà báo TT&TT.
Yến Nhi (Ảnh:KN)
Ý kiến bạn đọc