Thành phố Rio de Janeiro thời điểm này vẫn còn rõ dấu ấn của Thế vận hội Olympic 2016. Tuy vậy, liên quan đến việc gấp rút xây dựng các công trình phục vụ đại hội thể thao lớn nhất hành tinh, hàng loạt vụ tham nhũng đã bị phanh phui.
Thế vận hội 2016 từng được quảng bá là sự kiện làm Rio trở nên an toàn và sạch hơn với những khu thể thao đẳng cấp thế giới, hệ thống giao thông công cộng hiện đại. Tuy nhiên, một năm trôi qua, tình trạng bạo lực, tội phạm gia tăng, vịnh Guanabara bị ô nhiễm nghiêm trọng, mạng lưới giao thông mới quá đắt so với thu nhập của phần lớn cư dân, các khu ổ chuột (favela) vẫn bị Nhà nước “bỏ rơi”…
Thế vận hội “tiếp tay” cho tham nhũng
Kết quả những cuộc điều tra cho thấy, Thế vận hội 2016 đã “tiếp tay” cho các vụ tham nhũng có hệ thống. Các công tố viên Brazil cho rằng, cựu Thị trưởng Rio Eduardo Paes đã nhận khoản tiền 4 triệu euro để “tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty ký kết hợp đồng thực hiện công trình liên quan đến Thế vận hội” - một cáo buộc mà ông Eduardo Paes cho là “vô lý và không đúng luật”. Cựu Thống đốc Sergio Cabral cũng đã bị kết án 14 năm tù vì đã nhận hối lộ hàng triệu euro liên quan đến việc cải tạo sân vận động Maracana và phần mở rộng tàu điện ngầm về hướng tây Công viên Olympic.
Roberto Marinho, một nhà lãnh đạo cộng đồng ở Morro da Providencia, khu ổ chuột (favela) lâu đời nhất của Rio nói rằng: “Thực sự Thế vận hội đã mang lại điều gì? Rất nhiều tiền cho các công ty xây dựng, các chính trị gia và tình trạng an ninh hỗn loạn”. Vào năm 2008, khi Rio được xem xét đăng cai tổ chức Olympic, “Chương trình tăng trưởng nhanh” đã được công bố với mục tiêu hiện đại hóa 3 thành phố lớn là Rocinha, Manguinhos và Alemao. Trong số công trình đó, có hệ thống cáp treo ở Alemao. Sau 10 tháng hoạt động, hệ thống cáp treo đã phải đóng cửa vì Nhà nước không thể chi trả khoản phí vận hành lên đến 700.000 euro/tháng.
Phản ứng mạnh từ phía công chúng
Một năm qua, nền kinh tế của Brazil tiếp tục rơi vào tình trạng suy thoái. Tại Rio, giáo viên, nhân viên bệnh viện và các viên chức cảnh sát dân sự đã không có lương trong nhiều tháng. Julia Michaels, một nhà báo người Mỹ sống ở Rio 35 năm qua cho biết, công chúng có sự phản ứng mạnh mẽ khi lợi ích mà Thế vận hội mang lại không đúng như những lời hứa hẹn ban đầu của chính quyền. Tình trạng bạo lực gia tăng đáng lo ngại. “Những lợi ích từ Thế vận hội không được hiện thực hóa. Tôi cho rằng người nghèo bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận của họ. Những người nghèo ở favela nổi giận thực sự”, ông Julia Michaels nói.
Trong cuộc chạy đua cho Thế vận hội, favela Vila Autodromo, nơi sinh sống của 700 gia đình được nhắc đến như một ví dụ điển hình về việc Rio lấy của người nghèo nhất để tổ chức sự kiện lớn làm giàu cho người giàu. Sandra Maria de Souza, người đứng đầu cộng đồng dân cư nói với phóng viên tờ DW (Đức) rằng: “Khi mọi người nói về Olympic, tôi nghĩ về những người hàng xóm của tôi đã phải đổ máu, bị đánh đập, nhà bị phá hủy, các gia đình tan rã”. “Tiến bộ phải là vì lợi ích của tất cả mọi người. Chúng tôi không chống lại sự tiến bộ mà lên án cách quản lý không hợp lý. Sự phô trương, bất chấp lợi ích của nhân dân có lẽ là điều đáng nhớ nhất về Thế vận hội”, bà Maria da Penha nói.
Thực tế, tại Vila Autodromo, 20 gia đình từ chối rời đi, từ chối tất cả các khoản bồi thường và dùng mọi cách để chống lại việc cưỡng chế của các cơ quan chức năng. Cuối cùng, họ được ở lại trong những ngôi nhà do chính quyền sở tại xây dựng.
(Theo anninhthudo.vn)
Ý kiến bạn đọc