Đêm 20/10, U19 Việt Nam đã đặt mốc son lịch sử lần đầu lọt vào tứ kết giải U19 châu Á. Với lối chơi rất khó chịu nhưng lại… thành công, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn lại đang “làm khó” chính đội tuyển bóng đá (ĐT) Việt Nam…
Đêm qua, ở vào thế phải có ít nhất 1 điểm trước U19 Iraq để chắc chắn giành quyền vào tứ kết, U19 Việt Nam đã chơi phòng ngự triệt để, đặc biệt khi thiếu vắng 2 trụ cột nơi hàng thủ là Văn Hậu, Trọng Đại vì thẻ phạt. Suốt 90 phút thi đấu, bóng hầu như chỉ lăn bên phần sân của U19 Việt Nam. Mọi thông số đều nghiêng về đối thủ nhưng chung cuộc, U19 Việt Nam vẫn có được điều mình cần, cầm hòa 0-0, qua đó vào tứ kết với tư cách đội nhì bảng B.
HLV Hoàng Anh Tuấn càm thấy tự hào khi U19 Việt Nam đã đi vào lịch sử, lần đầu tiên giành quyền lọt vào tứ kết giải U19 châu Á. Ảnh: VFF |
Phát biểu trong cuộc họp báo, HLV Hoàng Anh Tuấn nói: “Tôi cảm thấy rất tự hào vì đã ghi được dấu ấn trong lịch sử bóng đá nước nhà. Các cầu thủ đã chơi rất quyết tâm, thể hiện được khả năng chịu đựng sức ép trước đối thủ mạnh hơn về kỹ thuật, chiến thuật là U19 Iraq”.
Phía trước, U19 Việt Nam đã tiến gần hơn tới tấm vé dự giải U20 thế giới 2017. Đó là tín hiệu vui với U19 Việt Nam nhưng trong chừng mực nhất định, đội tuyển bóng đá Việt Nam lại đang vấp phải sức ép không nhỏ từ thành công của lứa “đàn em”. Vì sao vậy?
Thứ nhất, đến lúc này, bóng đá Thái Lan đã không còn mục tiêu gì ngoài AFF Cup 2016. Đội tuyển của họ đã thất bại trong cuộc đua giành vé dự World Cup 2018, còn đội U19 Thái Lan mới đây cũng toàn thua cả 3 trận ở giải U19 châu Á và bị loại. Khỏi phải nói người dân xứ chùa vàng “ghen tị” tới đâu khi U19 Việt Nam đàng hoàng vào tứ kết. Và nếu không muốn người hâm mộ nước nhà phải thất vọng, thầy trò HLV Kiatisuk sẽ phải dồn toàn lực chinh phục danh hiệu vô địch Đông Nam Á. Ở góc độ này, đội tuyển bóng đá Việt Nam rõ ràng gặp khó!
Thứ nhì, kể từ khi lên thay HLV Toshiya Miura hồi đầu tháng 3 năm nay, HLV Hữu Thắng có trách nhiệm phải xây dựng lối chơi đẹp mắt, thay vì quá cơ bắp như ông thầy người Nhật Bản. Tính đến lúc này, ĐT Việt Nam đang đi đúng hướng và vận hành lối chơi phòng ngự-phản công dựa trên những pha phối hợp nhỏ, nhanh khá nhuyễn. Nếu tuyển Việt Nam có thể thành công tại AFF Cup cùng HLV xứ Nghệ thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu “thử kêu đốt tịt”, e rằng dư luận sẽ lại “nổi sóng”!
Thứ ba: Trở lại thời điểm năm 2008, chưa ai quên HLV Calisto từng bực tức như nào khi đội tuyển bị mang ra so sánh với đội U22 Việt Nam chấp nhận chơi phòng ngự "cửa dưới" nhưng đã vô địch Merdeka Cup dưới thời bộ đôi HLV Mai Đức Chung – Lê Thụy Hải. Người ta so sánh cũng phải thôi khi đội tuyển thời điểm đó chơi thiếu đường nét, thua liểng xiểng trong những trận giao hữu trước thềm AFF Cup 2008, gây tâm lý bất an. Nhưng cũng chính năm đó, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã lên ngôi vô địch AFF Cup lịch sử!
Giờ chỉ mong sao đội tuyển Việt Nam cũng có thể nhìn vào thành công bước đầu của U19 Việt Nam để thêm nỗ lực trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2016. Cần nhớ, để có thể vô địch thì một đội bóng không chỉ biết chơi đẹp, mà còn biết chơi “tiêu cực” khi cần để đạt được mục đích như triết lý của HLV U19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn!
(Theo Dân Việt)
Ý kiến bạn đọc