Nhật đối mặt với tình trạng người càng ít, heo rừng càng nhiều

09:19, 11/03/2018
|

Khi dân số ở nhiều thành phố và thị trấn Nhật Bản đang dần sụt giảm do tình trạng già hóa và di cư thì lượng heo rừng lại ngày càng "bùng nổ".

Tại Nhật, lượng heo rừng ngày càng gia tăng khi người dân dần di cư đến các đô thị hoặc "trở về với tổ tiên". Những con heo rừng này "chiếm đóng" những ngôi nhà hoặc cánh đồng lúa bị bỏ hoang.

Tại một số khu vực miền Nam nước Nhật, vấn nạn heo rừng đã tồn tại nhiều năm nay. Theo Washington Post, chúng có mặt ở khắp mọi nơi, từ nhà ga, bãi đỗ xe đến khuôn viên trường học, thậm chí còn bơi ra một số đảo ở khu vực lân cận. 

Gần đây, lượng heo rừng đã gia tăng đột biến ở những khu vực miền Bắc, nơi từng được cho là quá lạnh đối với loài động vật này. 

Những con heo rừng ở khu vực Kukushima bị giết vì nguy cơ nhiễm bị phóng xạ. Ảnh:
Những con heo rừng ở khu vực Kukushima bị giết vì nguy cơ nhiễm bị phóng xạ. Ảnh: Reuters.

Theo Washington Post, sự gia tăng này phản ánh tình trạng suy giảm dân số và biến đổi khí hậu ở Nhật Bản

Ông Hideo Numata, một nông dân tại thị trấn Hiraizumi (miền Đông Bắc nước Nhật), cho biết khu vực có gần 8.000 nhân khẩu này không đủ người để dọa heo rừng bỏ đi.

Ông Numata và những người nông dân tại thị trấn Hiraizum đều đã ở cái tuổi "gần đất xa trời". Sau khi họ mất, sẽ không có ai tiếp quản ruộng vườn, đất đai vì con cái họ đều đang sinh sống ở đô thị. 

Những cánh đồng lúa bị bỏ hoang nhanh chóng trở thành nơi sinh sống lý tưởng cho heo rừng. 

Không có đủ nhân lực để canh giữ đồng lúa, nông dân lắp đặt những con robot hình dạng sói để dọa heo rừng. Ảnh:
Không có đủ nhân lực để canh giữ đồng lúa, nông dân lắp đặt những con robot hình dạng sói để dọa heo rừng. Ảnh: Getty.

Miền Bắc Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng suy giảm dân số trầm trọng. 40% dân số sẽ trên 65 tuổi vào năm 2050, thêm vào đó là tình trạng di dân xuống các đô thị miền Nam. 

Vào năm 2011, thảm họa sóng thần, động đất và rò rỉ hạt nhân xảy ra ở Fukushima (miền Bắc nước Nhật), buộc người dân phải di chuyển khỏi nơi đây. 

Khu vực bị nhiễm phóng xạ trở nên không thể sinh sống đối với con người, nhưng lại vô cùng lý tưởng cho heo rừng. Nhiều người lo ngại những con heo này đã bị nhiễm phóng xạ, có nguy cơ gây hại cho người. 

Theo Tri Thức Trực Tuyến

 


Ý kiến bạn đọc