Sốt xuất huyết đang ở ngưỡng báo động

15:50, 07/10/2015
|

Theo báo cáo của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: "Hiện sốt xuất huyết đang ở ngưỡng báo động dịch".

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 43.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 trường hợp tử vong. Trung bình mỗi tuần có thêm từ 2.000 - 3.000 ca mắc mới sốt xuất huyết. Số người mắc sốt xuất huyết tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Riêng TP Hồ Chí Minh có 5 trường hợp. Hiện toàn thành phố có 10.624 ca mắc, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014. Tính đến 1/10, trên địa bàn có 10.624 ca mắc, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014. Từ đầu năm đến nay, thành phố có 5 ca tử vong (2 trẻ em) do sốt xuất huyết. Trung bình mỗi tuần có 600 ca mắc bệnh.

 

 

Báo động dịch sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa)
Báo động dịch sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa)

Chưa thể "thanh toán" bệnh sốt xuất huyết

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu nên chúng ta chưa thể thanh toán được căn bệnh này. Đồng thời, các triệu chứng của sốt xuất huyết có thể từ nhẹ như là chỉ có sốt, đau đầu, đau cơ nhưng nặng là gây ra sốc, rồi các biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết phủ tạng, thậm chí có cả xuất huyết não và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc điều trị sốt xuất huyết nên số tử vong trong 5 năm gần đây đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước kia. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có kinh nghiệm, thành công cao trong điều trị sốt xuất huyết. Số ca tử vong năm 2015 thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Cụ thể, năm 2013 tử vong 42 trường hợp, năm 2012 là 80 trường hợp, năm 2010 là 109 trường hợp. Đặc biệt năm 1987 có số tử vong cao nhất là 1.566 trường hợp.

Không hợp tác phòng sốt xuất huyết sẽ bị phạt

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, qua theo dõi 20 năm nay, ông thấy đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào tháng 9, 10, 11. Tuy vậy, khó khăn trong phòng dịch hiện nay là người dân còn chủ quan. Người dân chưa thấy mức độ nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết, cán bộ y tế khó tiếp cận để phổ biến biện pháp chống dịch và phun thuốc phòng dịch gặp khó khăn.

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố đã đi kiểm tra công tác phòng dịch sốt xuất huyết tại quận Hoàng Mai. Tại đây, ông Sửu yêu cầu, nếu gia đình nào không hợp tác trong công tác phòng dịch sốt xuất huyết phải xử phạt hành chính, nhằm hạn chế ca mắc mới, ngăn chặn và khống chế dịch.

Trước đó TP Hồ Chí Minh đã có quyết định phạt nặng nếu người dân thờ ơ phòng chống dịch sốt xuất huyết. Theo đó, đối với những gia đình đã được vận động, nhắc nhở, cam kết tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết nhưng không thực hiện, chính quyền địa phương cương quyết xử phạt và thông báo rộng rãi đến các hộ dân.

Để phòng dịch hiệu quả, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân nên loại trừ các ổ chứa bọ gậy sốt xuất huyết như: Lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, đậy kín nắp các bể đựng nước sinh hoạt, thường xuyên thay rửa nước trong các bình bông (lọ hoa); Hợp tác với cán bộ y tế phun hóa chất, loại trừ ổ dịch sốt xuất huyết; Người dân cũng nên chủ động đến các cơ sở y tế sớm ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên để được khám, điều trị sớm nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong.

Ngày thứ 1: Bệnh nhân sốt cao, đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt ửng đỏ, họng đỏ không đau.

Ngày thứ 2 : Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, liên tục. Hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể như xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, mí mắt, cổ.

Ngày thứ 3: Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Nếu trẻ trên tuổi dậy thì hỏi thêm về kinh nguyệt có ra huyết bất thường không? Bệnh nhân có thể cảm giác khó chịu, đau bụng nhợn ói. Hãy làm xét nghiệm máu, kết quả máu nếu có Hct tăng 39-40%, tiểu cầu giảm dưới 150.000 tế bào/mm3 là chẩn đoán SXH chính xác đến trên 90%.

Ngày thứ 4, thứ 5 các triệu chứng rõ ràng nhất.

 

Phạm Minh


Ý kiến bạn đọc