(VnMedia) - Theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, b ệnh nhân Nguyễn Đình T, 23 tuổi, sinh viên trường Đại học Xây dựng nhập bệnh viện Xanh-pôn ngày 2/9 vì sốt. Chẩn đoán ban đầu là sốt xuất huyết, được bác sĩ cho về điều trị ngoại trú.
Tuy nhiên, ngày 3/9, gia đình lại đưa T. vào nhập bệnh viện Đống Đa vì còn sốt và đau đầu. Sau 2 ngày truyền dịch, uống thuốc, T. có giảm nhiệt độ nhưng vẫn mệt, không chịu ăn uống.
Do quá lo lắng cho con, người mẹ lại xin cho con ra viện và tự chuyển sang Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai hồi 12h ngày 5/9. Đến 20h cùng ngày, bệnh nhân T. lên cơn co giật, mất ý thức nên được bác sĩ chỉ định chọc dịch não tuỷ. Kết quả, bệnh nhân bị viêm não- màng não do sốt xuất huyết Dengue.
TS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân. |
TS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số ca bệnh mắc sốt xuất huyết phải nhập viện gần đây có gia tăng ở Hà Nội, tuy nhiên biến chứng gây viêm não- màng não như bệnh nhân Nguyễn Đình T. là ca bệnh rất hiếm gặp. Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng nặng, co giật, rối loạn ý thức và phải thở oxy, nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên chỉ sau 2 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân đã hồi tỉnh.
Dấu hiệu nhận biết mắc bệnh sốt xuất huyết
TS. Đỗ Duy Cường cho biết: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra, hay gặp ở các nước vùng nhiệt đới. Triệu chứng của bệnh thường là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ (thường < 100.000/mm3 ), bạch cầu hạ, hematocrite tăng (hiện tượng cô đặc máu).
Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng này.
TS Đỗ Duy Cường khuyên người bệnh khi thấy các triệu chứng sau thì người bệnh cần đến bệnh viện khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời:
- Sốt cao đột ngột liên tục 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.
- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
- Có thể có, phát ban, nổi hạch.
Dấu hiệu xuất huyết
- Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng), nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết.
- Đau bụng vùng gan, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp).
Cách phòng chống muỗi đốt
- Mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt.
Ý kiến bạn đọc