(VnMedia) - Cục An toàn thực phẩm yêu cầu dừng lưu thông sản phẩm chất điều vị- bột ngọt (Mì chính) hiệu Ajino Takara (Thailand) - Monosodium Glutamate (MSG) vì có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa...
Căn cứ văn bản số 82/VSHTT-TVGĐ ngày 30/7/2015 của Viện khoa học sở hữu trí tuệ về việc xem xét lại kết luận giám định số NH348-14YC/KLGĐ, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Công ty TNHH sản xuất thương mại Hà Trung Hậu dừng đưa ra lưu thông và thu hồi đối với sản phẩm: “Chất điều vị-Bột ngọt (Mì chính) hiệu Ajino Takara (Thailand)- Monosodium Glutamate (MSG)”.
Chất điều vị-Bột ngọt (Mì chính) hiệu Ajino Takara (Thailand)- Monosodium Glutamate (MSG).
Công ty này có địa chỉ tại Số 20 đường số 3, Cư xá Chu Văn An, Phường 20, Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Sản phẩm này vốn có số xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm: 12039/2014/ATTP-XNCB ngày 14/7/2014. Cục yêu cầu công ty này báo cáo kết quả thu hồi và biện pháp xử lý về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 11/9/2015.
Trước đó, ngày 11/8, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Đà Nẵng cho biết đang niêm phong một số lượng lớn mì chính (bột ngọt) mang nhãn hiệu Ajino-Takara vì nghi ngờ lô hàng này xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Đây là lô hàng có giá trị lớn do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hà Trung Hậu (phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) phân phối cho chi nhánh ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc sử dụng ba chữ tượng hình trên gói bột ngọt Ajino-Takara được cho là xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa của Công ty Ajinomoto Co.,INC (Tokyo, Nhật). Do đó, Công ty Ajinomoto đã gửi mẫu vật, đề nghị Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) giám định để phục vụ việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Kết quả giám định cho thấy ba chữ tượng hình của Ajino-Takara tương tự ba chữ tượng hình của Ajinomoto đã được bảo hộ. Người tiêu dùng Việt Nam không đọc được, không hiểu nghĩa của ba chữ này nhưng so sánh chúng ở trên hai sản phẩm có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Kết luận giám định nêu có sự xâm phạm quyền sở hữu.
Ý kiến bạn đọc