(VnMedia) - Những ngày gần đây, nhiều diễn đàn đề cập đến một số bệnh viện “nói không với phong bì” nhưng vẫn hết lòng chăm sóc người bệnh đúng với thành ngữ “lương y như từ mẫu”. Đây là điều mà lâu nay ít thấy, bởi nhắc tới môi trường bệnh viện, người ta thường mặc định cho rằng đó là nơi mà những tiêu cực nảy sinh, nơi mà những “áo trắng” cau mày, quát tháo bệnh nhân….
Câu chuyện “chiếc phong bì”
Hai đơn vị điển hình được nhiều người khen ngợi về thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh đó là Viện Huyết học truyền máu Trung ương và Bệnh viện Tim Hà Nội. Tại đây, các y, bác sỹ và điều dưỡng đều rất hòa nhã và nhiệt tình với người bệnh. Điều đặc biệt là họ đưa ra chủ trương phục vụ người bệnh như khách hàng, luôn tươi cười niềm nở với người bệnh và tuyệt đối không nhận phong bì thì mới phục vụ người bệnh tốt hơn.
Bác Lê Văn Nga đến từ Triệu Sơn - Thanh Hóa điều trị tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương tâm sự, bác bị viêm xương tủy và thường xuyên phải đến viện để kiểm tra và điều trị. Bác Nga đã đến đây 3 lần và đều cảm nhận được tình cảm ấm áp của các y bác sỹ đối với người bệnh.
Bác Nga kể, có lần, bác có một số xét nghiệm cần phải đến bệnh viện khác để làm. Bác đã nghĩ rằng tự mình phải đi đến đó. Thật không ngờ, bác được các bác sỹ ở Viện đưa đến tận nơi để hướng dẫn bác. Lúc về, vì muốn cảm ơn hành động ấy, bác có dành một phần kinh phí để gửi người đưa mình đi, vậy mà dứt khoát nhân viên y tế đó không nhận. Bác Nga cho biết, cứ sau mỗi lần điều trị, bác lại mang quà đến cảm ơn chung cho các bác sỹ đã tận tình với mình. Theo bác, đó là tấm lòng biết ơn của một người bệnh đối với những thầy thuốc đã hết lòng chăm sóc sức khỏe cho mình mà không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì.
Cũng như bác Nga, nhiều người bệnh khác cũng cho biết, họ thực sự lấy lại được niềm tin với các y bác sỹ khi được phục vụ niềm nở và tận tình như thế.
Tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương, các y bác sỹ cho biết, họ được Viện trưởng của mình quán triệt tinh thần phục vụ người bệnh từ khá lâu nay. Viện trưởng của đơn vị này luôn gương mẫu trong việc ứng xử với người bệnh và người nhà bệnh nhân, nên các nhân viên y tế ở đây luôn thực hiện theo người đứng đầu đơn vị của mình.
Còn ở Bệnh viện Tim Hà Nội - đơn vị được nhiều người nhắc tới vẫn luôn giữ vững được quan điểm “nói không với phong bì” có lẽ cũng xuất phát từ quan điểm của lãnh đạo bệnh viện về vấn đề này. Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội đã có nhiều chia sẻ về quan điểm phục vụ người bệnh của đơn vị ông và đưa ra lời tuyên bố sẽ đuổi việc nhân viên của mình nếu phát hiện việc vòi vĩnh người bệnh. Và trên thực tế, nhiều năm qua, người bệnh vẫn ca ngợi bệnh viện này là một điển hình về phong cách phục vụ mà không cần “đút lót” bác sỹ.
Bác sĩ luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân. Ảnh minh họa. |
Hướng tới mọi bệnh viện đều là những điểm sáng chăm sóc sức khỏe nhân dân
Không chỉ có những bệnh viện nói trên có thái độ phong cách phục vụ người bệnh ngày càng thay đổi, thời gian gần đây, nhiều nơi khác cũng đã có những sự chuyển biến tích cực.
Chị Nguyễn Phương - con gái bệnh nhân Nguyễn Ngọc Định - phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết, chị đưa bố đẻ vào Bệnh viện E khám và điều trị. Khi đi thanh toán theo chế độ bảo hiểm cho ông, chị rất ngạc nhiên vì được các nhân viên của khoa điều trị đưa đi làm thủ tục rất nhiệt tình. Chị chỉ việc ngồi chờ vì việc xếp giấy, đặt sổ… đã được một nhân viên y tế thực hiện riêng cho mình. Chị Phương cho biết, bố chị và gia đình chị hoàn toàn không thuộc bất cứ diện ưu tiên nào. Các bệnh nhân khác khi đi thanh toán cũng được chăm sóc như vậy. Đây là điều mà trước đó chị nghĩ là khó gặp!
Có lẽ câu chuyện về thái độ phục vụ người bệnh của các nhân viên y tế sẽ còn rất nhiều điều đáng phải bàn bởi còn nhiều nơi, nạn nhũng nhiễu hay thái độ phục vụ tồi đối với bệnh nhân vẫn còn nhưng rõ ràng, sự quyết liệt vào cuộc của ngành y đã cho thấy trong ngành đã có nhiều điểm sáng và ở đó các y bác sỹ thực sự nhận được sự trân trọng của người bệnh.
Để ngành Y thực sự có những thay đổi trên diện rộng, có lẽ cũng cần một thời gian nhất định bởi câu chuyện xấu của ngành đã diễn ra trong cả một giai đoạn quá dài. Việc xử lý khó có thể diễn ra trong “chớp mắt”. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần sự đổi mới, gương mẫu và quyết liệt từ chính lãnh đạo các bệnh viện thì có lẽ những “điểm sáng” của ngành y sẽ được nhân nhanh và rộng hơn và khái niệm về sự thanh cao của “nghề cứu người” luôn được người bệnh nâng niu theo đúng nghĩa của nó!
Ý kiến bạn đọc