(VnMedia) - Theo tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, liên tục trong thời gian gần đây, Khoa Răng hàm mặt đã nhận cấp cứu 3 trường hợp bệnh nhân bị chó cắn rách mặt rất thương tâm. Trong đó có 2 bé ở thành phố Hồ Chí Minh và 1 bé ở Tây Ninh bị chó nhà cắn.
Theo người nhà, khi bé đang chơi vô tình đồ chơi rơi đến gần chỗ chó nằm, bé chạy lại lấy đồ chơi và bị chó bất ngờ cắn vào mặt.
Thời điểm chó cắn thường rơi vào ngày nghỉ hoặc khi bé hết giờ học ở trường, về nhà cha mẹ bận việc nên để bé chơi một mình, chó thường cắn vào vùng mặt và vết thương thường nham nhở, mất nhiều da và cơ, răng chó lại rất dơ nên vết thương thường phức tạp, thiếu hổng nhiều và dễ nhiễm trùng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng – khoa Răng hàm mặt khuyến cáo, phụ huynh nên lưu ý trong dịp hè hoặc ngoài giờ học ở trường, các bé về nhà là thời gian phụ huynh bận việc nhà, ít để ý đến bé nên dễ xảy ra tai nạn. Đặc biệt là các gia đình nuôi chó nên càng phải chú ý hơn, cần cho bé chơi ở khu vực an toàn xa nơi nhốt hoặc nơi chó thường lui tới.
Xử trí vết thương khi bị chó cắn
Bị chó cắn là một tai nạn khá phổ biến, rất nguy hiểm, rất dễ gặp phải đặc biệt đối với trẻ nhỏ do rất khó phòng tránh, đã có rất nhiều trường hợp người bị chó cắn đã bị tử vong do không được sơ cứu và điều trị phù hợp. Chính vì vậy việc tìm hiểu cách xử trí vết thương khi bị chó cắn đóng một vai trò rất quan trọng, nó sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh và chủ động xử lý hiệu quả.
- Rửa sạch vết thương bằng nước muối và xà phòng, băng vết cắn bằng gạc vô trùng.
- Cầm máu ngay bằng cách ấn mạnh lên vết thương nếu vết thưong chảy máu.
- Đưa đến cơ sở y tế nếu vết thương rộng sâu, chảy nhiều máu hoặc vết thương biểu hiện nhiễm trùng (sốt, sưng, đỏ, đau, nổi hạch) hoặc trường hợp nghi ngờ dại.
- Trong trường hợp bị chó, mèo cắn cần được theo dõi con vật trong 10 ngày và tiêm tiêm phòng dại nếu con vật có triệu chứng nghi ngờ dại. Đối với súc vật cắn không thể theo dõi được thì cần tiêm phòng dại ngay.
- Tiêm phòng uốn ván trong vòng 48 giờ nếu trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Để phòng tránh nguy cơ súc vật cắn với trẻ, các gia đình cần chú ý:
- Tránh thả rông động vật nuôi, đeo rọ mõm cho chó khi ra đường.
- Không nên để trẻ một mình với vật nuôi, tránh xa các động vật thả rông.
- Không chọc ghẹo vật nuôi, tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi hoặc chơi với vật nuôi khi chúng đang ăn.
- Gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi động vật hoang dại hoặc giống chó hay cắn người.
Ý kiến bạn đọc