(VnMedia) - GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu cho biết, t rên thế giới, trung bình mỗi năm có hơn 780.000 ca ung thư gan được phát hiện và gần 750.000 bệnh nhân tử vong vì bệnh này. Tỷ lệ mắc ung thư gan đứng thứ 5 trong các loại ung thư ở nam giới và đứng thứ 9 ở nữ giới nhưng tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 ở cả hai giới.
Tại Việt Nam, ung thư gan đứng thứ 2 ở nam giới và đứng thứ 3 ở nữ giới về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong rất cao, đứng thứ nhất ở cả hai giới. Trung bình mỗi năm tại nước ta ghi nhận gần 22.000 ca ung thư gan mới mắc và gần 21.000 ca tử vong. Ung thư gan thứ phát là do các loại ung thư khác di căn vào gan, chiếm tỷ lệ khoảng 10%, thường gặp nhất là do ung thư đường tiêu hóa (ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư tụy). 60 - 70% ung thư đại trực tràng có di căn vào gan và là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
Ảnh minh họa.
Thêm cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư gan
GS.TS Mai Trọng Khoa, cho biết, do tỷ lệ mắc và tử vong của ung thư gan rất cao, vì vậy cần phát triển các kỹ thuật mới trong điều trị nhằm kéo dài thời gian sống cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã công bố thực hiện kỹ thuật mới cấy hạt vi cầu phóng xạ Y-90 điều trị ung thư gan bước đầu cho kết quả khả quan.
Xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 hay phương pháp tắc mạch phóng xạ là một kỹ thuật mới trong điều trị ung thư gan. Các hạt vi cầu phóng xạ sẽ được bơm trực tiếp vào động mạch nuôi khối u. Khối u bị tiêu diệt theo hai cơ chế: tắc mạch - cắt nguồn dinh dưỡng nuôi u và xạ trị. Với phương pháp này, các tổ chức u lành ít bị ảnh hưởng, khối u bị tiêu hoàn toàn hoặc giảm thể tích.
GS.TS Mai Trọng Khoa cho biết, hơn 50 bệnh nhân đã được điều trị bằng kỹ thuật mới này và cho kết quả tốt, an toàn, cảm nhận bệnh nhân thấy chấp nhận được, biến chứng phải xử lý ít hơn nhiều với kỹ thuật khác, khả năng tái phát bệnh ít. Với bệnh ung thư, cần theo dõi 3-5 năm mới có thể đánh giá được hiệu quả của phương pháp mới này. Tuy nhiên việc áp dụng kỹ thuật mới này giúp mang lại cho bệnh nhân thêm hy vọng được sống. Nó được chỉ định trong những trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi các phương pháp điều trị khác đều thất bại, thể trạng bệnh nhân còn tốt... Kỹ thuật này đã được áp dụng tại Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á như Singapore, Philippine...
"Chi phí cho một ca điều trị bằng kỹ thuật này khoảng 300-400 triệu đồng, tương đương với cả quá trình điều trị gần một tháng xạ trị bằng máy gia tốc. Bệnh nhân không cần phải ra nước ngoài điều trị với chi phí đắt đỏ", tiến sĩ Khoa nói.
Tại Việt Nam, kỹ thuật này đã được triển khai thành công tại một số BV lớn, có đầy đủ trang thiết bị và các chuyên khoa liên quan, đó là BV Bạch Mai, BV Trung ương Quân đội 108 và BV Chợ Rẫy. Tính đến tháng 6/2015 cả nước đã có hơn 50 bệnh nhân ung thư gan nguyên phát và thứ phát đã được điều trị thành công, cho kết quả tốt.
Ý kiến bạn đọc