Phải tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ

17:04, 30/07/2015
|

(VnMedia) - Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm vi rút viêm gan B và phòng ung thư gan là tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh, tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là thời gian vàng để phòng bệnh.

Viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên thế giới, gây ra bệnh viêm gan cấp tính, mãn tính và gây tử vong khoảng 1,5 triệu người mỗi năm, chủ yếu do bệnh viêm gan vi rút B và C.

Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B từ 15% - 20% dân số, nhiễm vi rút viêm gan C từ 2% - 6%. Nhiều trường hợp tử vong vì xơ gan và ung thư gan có liên quan đến viêm gan B và C. Viêm gan B mãn và viêm gan C mãn là hai nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Khả năng lây nhiễm viêm gan B cao hơn HIV từ 50 đến 100 lần, chủ yếu qua qua đường máu, sinh hoạt tình dục, nguy cơ khi dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo với người bệnh. Phương thức lây nhiễm phổ biến nhất là lây nhiễm trong khi sinh: trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% - 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B, đặc biệt trong trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm vi rút viêm gan B. 90% số trẻ bị nhiễm vi rút viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và hậu quả lâu dài là dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Tại Việt Nam, khoảng 10%-12% phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định viêm gan B có thể kiểm soát một cách hiệu quả thông qua tiêm chủng vắc xin viêm gan B.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh năm 2014 chỉ đạt 55,4%. Trong đó, các cơ sở y tế ở tuyến huyện đạt tỷ lệ cao hơn tuyến tỉnh và trung ương. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỉ lệ này càng đạt thấp, trong khi số trẻ được tiêm các mũi vắc xin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng lại khá cao…

PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, tiêm vắc xin viêm gan B tốt nhất là trong 24 giờ đầu sau khi sinh, nếu không tiêm được thì cần tiêm sớm sau đó ngay khi có thể (tiêm trong vòng 7 ngày sau sinh). Vắc xin viêm gan B có thể tiêm cùng 1 ngày với các vắc xin khác mà không ảnh hưởng đến sự đáp ứng miễn dịch của vắc xin. Trường hợp người mẹ không mắc viêm gan B, trẻ vẫn cần phải được tiêm vắc xin này vì trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, vắc xin phòng viêm gan B được thế giới ghi nhận an toàn và hiệu quả. Trong quá trình tiêm, có trường hợp phản ứng nhẹ sau khi tiêm như: cảm giác đau, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm (ở khoảng 15% người lớn, 5% trẻ em), sốt nhẹ (khoảng 1 - 6%).
Những phản ứng dị ứng cũng như biến chứng do vắc-xin này là rất hiếm như nổi ban, khó thở chiếm tỷ lệ khoảng 1/600.000 liều.

Vắc xin viêm gan B đến nay là vắc xin an toàn với trẻ, vì thế các mẹ không nên quá lo lắng mà hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để phòng những nguy cơ nguy hiểm do bệnh viêm gan B gây ra.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc