Công dụng chữa bệnh kỳ diệu của ngải cứu

06:43, 21/07/2015
|

(VnMedia)   - Cây ngải cứu rất thông dụng trong cuộc sống hàng ngày, bởi nó vừa dễ ăn lại dễ tìm. Thực tế, có rất nhiều công dụng chữa bệnh cũng như các món ăn từ ngải cứu có thể bạn chưa biết.

 

TS Lê Thị Kim Loan Nguyên trưởng khoa Bào chế - Viện dược liệu - Bộ Y tế cho biết, ngải cứu vừa là cây thuốc vừa là cây rau thường được người dân sử dụng rất phổ biến.

 

Ngải cứu còn gọi là ngải diệp, tên khoa học là Artemisia vulgaris L. thuộc họ cúc. Quanh năm đều có ngải cứu nhưng tốt nhất là hái cành và lá vào tháng 6 (gần tương ứng với mồng 5 tháng 5 âm lịch), phơi khô trong râm mát. Có khi hái về phơi khô, tán nhỏ, rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung, dùng làm mồi cứu để kích thích huyệt trong phương pháp châm cứu. Ngải cứu có tính ôn, hơi cay, dùng điều trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, động thai, thổ huyết…

 

Theo đông y, ngải cứu có tính vị quy kinh, có mùi thơm, vị đắng, tính ấm đi vào cả 3 kinh là: can, tỳ, phế có tác dụng điều hòa khí huyết, khu phong, trừ thống, cầm máu và giảm đau. Chính vì vậy mà ngải cứu có tác dụng chữa được rất nhiều bệnh.

 

Điều kinh: Là công dụng quan trọng nhất của ngải cứu, hay được sử dụng trong những trường hợp kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt quá nhiều hoặc là đau bụng kinh (thống kinh).

 

Cầm máu: Trong những trường hợp ho ra máu hoặc nôn ra máu, trĩ ra máu hoặc là các trường hợp có thai ra máu cũng thường dùng ngải cứu.

 

Giảm đau: Ngải cứu dùng trong các trường hợp phong tê thấp đau nhức xương khớp.

 

Đặc biệt ngải cứu dùng để trị mụn nhọt, nở ngứa, vàng da.


Ảnh minh họa


 

Cách dụng của ngải cứu

 

Theo TS Lê Thị Kim Loan, t uy nhiên, tùy mục đích sử dụng mà cách chế biến của ngải cứu cũng rất là khác nhau. Ví dụ, trong trường hợp điều kinh, người dân thường dùng ngải cứu với các dược liệu khác như ích mẫu, ..

 

Nếu dùng để cầm máu: ngải cứu phải được chế biến bằng cách sao đen gọi là ngải thán mới có tác dụng cầm máu.

 

Dùng làm mồi trong châm cứu: Chế ngải nhung bằng cách bột lá phơi khô và cuốn thành một mồi ngải để dùng cứu

 

Chữa mụn nhọt: Tất cả các loại họ cúc đều có tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn cho nên các cây họ cúc đều chữa được mụn nhọt, có thể dùng bằng cách ăn sống, ép lấy nước, chế biến với các thực phẩm khác.

 

Các món ăn bổ dưỡng từ ngải cứu

 

Trứng gà tráng ngải cứu: Giúp lưu thông máu lên não trị bệnh đau đầu. Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín.

 

Gà tần ngải cứu: Bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, xương cốt dẻo dai: 1 con gà đen khoảng 500gr, 3 trái táo đỏ, ý dĩ, kỷ từ, 3 lát sâm ta, ngải cứu, hạt sen, tam thất, hạt nêm. Gà làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả các nguyên liệu vào trong gà, cho gà vào nồi, đổ săm sắp nước, nêm hạt nêm vừa miệng, tần cho đến khi gà mềm nhừ.

 

Cháo ngải cứu có thể chữa động thai hoặc giảm đau thấp khớp. Cách nấu : lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Thái nhỏ lá ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa. Ăn liên tục 3 - 5 ngày.

Tác hại khi sử dụng ngải cứu quá nhiều

Hại gan: Nếu bạn dùng quá nhiều ngải cứu, có thể gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn đến viêm gan cấp tính, viêm gan vàng da, gan to, nước tiểu đục hoặc có lẫn dịch mật.

Ngộ độc: Nếu bạn dùng liều cao và thường xuyên có thể phản tác dụng hoặc bị ngộ độc.

Ảnh hưởng thần kinh: Nếu dùng quá nhiều ngải cứu, thần kinh trung ương của bạn có thể bị hưng phấn quá mức, dẫn tới cục bộ hoặc toàn thân co giật. Sau vài lần có thể khiến chân tay co cứng, nói nhảm, thậm chí tê liệt do các tế bào não bị tổn thương.

Dễ sảy thai trong 3 tháng đầu: Theo các
nhà khoa học khuyến cáo rằng, bà bầu ăn quá nhiều ngải cứu trong 3 tháng đầu mang thai sẽ làm tăng nguy cơ bị ra máu, co bóp cổ tử cung, dễ dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc