Bệnh bạch hầu nguy hiểm và dễ lây

10:43, 17/07/2015
|

(VnMedia) - Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

  Ảnh minh họa

 Bệnh bạch hầu rất dễ lây. Ảnh minh họa.



Bệnh bạch hầu rất dễ lây

Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh bạch hầu rất dễ lây lan và có thể gây tử vong cho người mắc. Theo đó, nếu vi khuẩn bạch hầu lây ra tay chân, quần áo hoặc các dụng cụ sinh hoạt mà người khỏe mạnh chạm vào sau đó đưa tay lên họng cũng sẽ bị lây. Không chỉ có vậy, trong trường hợp điều trị bệnh bạch hầu, đặc biệt là trẻ nhỏ rất dễ gây biến chứng ngừng tim.
 
Ngoài ra, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm khi phát hiện có triệu chứng mắc bệnh, các nhân viên y tế có thể điều trị ngay cho người bệnh bằng cách cho uống kháng sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp điều trị ban đầu, bởi khi hết hàm lượng kháng sinh, bệnh có thể tái phát.
 
Khẩn trương tiêm vắc xin tại ổ dịch
 
Sau sự xuất hiện ổ dịch bạch hầu làm 6 người chết tại thôn 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, ngày 16/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công điện yêu cầu Sở Y tế tỉnh Quảng Nam giám sát chặt tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, lấy mẫu xét nghiệm những ca tiếp xúc và những đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm trường hợp mắc mới. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang thực hiện ngay việc tiêm vắc xin chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch. Nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét.
 
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh chỉ xuất hiện một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Ngành y tế xác định nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là phát hiện sớm, cứu chữa kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong và cách ly, xử lý triệt để không để dịch lây lan. Để làm tốt việc này, cùng với việc điều tra, giám sát phát hiện sớm, quyết liệt xử lý ổ dịch, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân hợp tác với các cán bộ y tế để thực hiện các biện pháp phòng bệnh là hết sức quan trọng.

Ngành y tế Quảng Nam đã cử một đội chống dịch cơ động và các bác sỹ thường xuyên túc trực tại địa bàn để theo dõi sức khỏe người dân, kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh, vận động người dân đi khám, điều trị bệnh, tiêm vắc xin và áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Với sự phối hợp tích cực và chặt chẽ của chính quyền xã, các trưởng thôn để đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu cũng như các biện pháp phòng bệnh, đến nay hầu hết người dân đã hiểu và phối hợp tốt với các cán bộ y tế trong việc theo dõi sức khỏe, uống thuốc kháng sinh, vệ sinh môi trường cũng như chuẩn bị cho đợt chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh trong thời gian tới.

Cục Y tế dự phòng tiếp tục theo dõi sát, chỉ đạo kịp thời Viện Pasteur Nha Trang và ngành y tế tỉnh Quảng Nam nhằm sớm xử lý triệt để ổ dịch bạch hầu tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong cũng như triển khai các biện pháp mang tính ổn định lâu dài không để dịch bệnh tái bùng phát tại địa phương. 
 
Theo ông Phu, để điều trị bệnh bạch hầu, thì tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất.
 
Theo đó, Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem:
 
Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi
 
Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
 
Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
 
Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc