(VnMedia) - Theo thống kê mới nhất, tại Việt Nam hiện có gần 28.000 người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần.
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học phát triển mạng lưới ung thư phổi và bệnh phổi nghề nghiệp do Bệnh viện Phổi Trung ương (Bộ Y tế) tổ chức ngày 24/6 nhân kỷ niệm 58 năm thành lập Bệnh viện (24/6/1957 - 24/6/2015).
Theo xu thế phát triển của xã hội, ngày càng nhiều ngành nghề mới có tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là các yếu tố gây nên bệnh ở phổi, phế quản.
Trong tổng số 30 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế, bệnh bụi phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm tới 74% số ca. Các loại bệnh phổi do nghề nghiệp bao gồm: Bệnh phổi silic, bệnh phổi amiang, bệnh phổi bông…làm xơ cứng dần buồng phổi của người bệnh, khiến người bệnh mất khả năng lao động và một số có thể dẫn đến tử vong.
Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Trung ương, các bệnh nghề nghiệp liên quan tới phổi, bụi phổi và phế quản cần được chú ý ngay từ khâu dự phòng, khám và điều trị, đặc biệt là các yếu tố nghề nghiệp liên quan để giảm thiểu tác hại của bệnh. Trong thực tế, công tác chẩn đoán, điều trị, giám định cho viên chức và người lao động nhóm bệnh phổi - phế quản nghề nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao nhất.
Tuy nhiên, cả nước hiện chưa có cơ sở y tế nào thực hiện nhiệm vụ điều trị cho những người mắc bệnh phổi nghề nghiệp và điều trị phục hồi sức khỏe cho những viên chức, người lao động sau khi họ mắc bệnh và được giám định bệnh nghề nghiệp. Chính vì vậy, Khoa bệnh phổi nghề nghiệp đã được thành lập tại Bệnh viện Phổi Trung ương, thực hiện việc cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh phổi nghề nghiệp. Khoa này cũng tiến hành nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, đào tạo và giám định bệnh phổi nghề nghiệp...
Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa hạng I trực thuộc Bộ Y tế với qui mô 550 giường bệnh gồm 8 phòng chức năng, 17 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng và 2 Trung tâm. Những năm gần đây, bệnh viện đã từng bước được đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế kỹ thuật cao như: chụp X quang kỹ thuật số, nội soi phế quản...
Bạn biết gì về bệnh nghề nghiệp?
Ở mỗi ngành nghề lại mắc phải những căn bệnh nghề nghiệp khác nhau. Nguyên nhân của nó là do tác hại thường xuyên và lâu dài của điều kiện lao động không tốt. Ngay từ khi có lao động, bệnh nghề nghiệp đã xuất hiện và gây ảnh hưởng tới người lao động.
Mỗi nghề lại có những căn bệnh đặc trưng. Ví dụ giáo viên thường xuyên đứng lớp hít phải bụi phấn và nói nhiều thường dễ bị viêm họng, viêm hô hấp....với đối tượng làm việc văn phòng, do phải ngồi nhiều, ngồi lâu...dẫn đến đau lưng, nhứt mỏi cổ, vai, đau cổ tay do sử dụng bàn phím, chuột nhiều....
Đến ngày 1/1/2015 sẽ có 30 bệnh nghề nghiệp được Nhà nước công nhận và được chi trả chế độ bảo hiểm y tế.
Danh mục 30 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm được chia thành 5 nhóm:
Các bệnh bụi phổi và phế quản
1. Bệnh bụi phổi - Silic nghề nghiệp (BP-silic)
2. Bệnh bụi phổi Atbet (amiăng) (BP-amiăng)
3. Bệnh bụi phổi bông (BP-bông)
4. Bệnh viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp (viêm PQ- NN)
5. Bệnh hen phế quản nghề nghiệp
6. Bệnh bụi phổi-Talc nghề nghiệp
7. Bệnh bụi phổi - than vào bệnh nghề nghiệp
Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp
8. Bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất chì
9. Bệnh nhiễm độc benzen và các hợp chất đồng đẳng của benzene
10.Bệnh nhiễm độc thuỷ ngân và các hợp chất thuỷ ngân
11. Bệnh nhiễm độc mangan và các hợp chất của mangan
12. Bệnh nhiễm độc TNT (trinitro toluen)
13. Bệnh nhiễm độc asen và các hợp chất asen nghề nghiệp
14. Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp
15. Bệnh nhiễm độc hoá chất trừ sâu nghề nghiệp
16. Bệnh nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp
17. Bệnh nhiễm độc Cadimi nghề nghiệp
Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý
18. Bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ
19. Bệnh điếc do tiếng ồn (điếc nghề nghiệp)
20. Bệnh rung chuyển nghề nghiệp
21. Bệnh giảm áp mãn tính nghề nghiệp
22. Bệnh nghề nghiệp do rung toàn than
Các bệnh da nghề nghiệp
23. Bệnh sạm da nghề nghiệp
24. Bệnh loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc
25. Bệnh nốt dầu nghề nghiệp
26. Bệnh viêm loét da, viêm móng và xung quanh móng nghề nghiệp
Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp
27. Bệnh lao nghề nghiệp
28. Bệnh viêm gan virút nghề nghiệp
29. Bệnh do xoắn khuẩn leptospira nghề nghiệp
30. Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Ý kiến bạn đọc