(VnMedia) - PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế cho biết, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 8.800 vụ vi phạm về chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại.
Tuy nhiên, trong số này mới chỉ có 25 vụ được khởi tố. Hàng giả đã và đang xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, ngành hàng, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sữa, phân bón, đồ chơi trẻ em…
Ảnh minh họa. |
Nhiều công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng
Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều loại công ty đã bị xử phạt do vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng. Gần đây nhất, ngày 25/6, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 công ty vi phạm các quy định về ATTP với tổng số tiền phạt là 150 triệu đồng.
Đó là Công ty Cổ phần Dược thảo Phúc Vinh, địa chỉ: số 22/183 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng: Viên giảm cân PV và PV Gan khi không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo và không thực hiện kiểm nghiệm định kỳ cho sản phẩm thực phẩm chức năng Dầu tỏi PV theo quy định.
Công ty TNHH SX TM và Dịch vụ Việt Việt Khang, địa chỉ: 106 Gò Ô Môi, phường Phú Thuận, quận 7, Tp Hồ Chí Minh: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng MAKA có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Công ty TNHH TM Bảo Bình An, địa chỉ: Số 14, tổ 15 Tứ Kỳ, Phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Mãnh Chúa Diệu Khang có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Công ty TNHH Vitapure Hoa Kỳ, địa chỉ: Thôn Như Phượng Hạ, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên: Quảng cáo 03 sản phẩm thực phẩm chức năng Linh Dan Dưỡng Sinh, thực phẩm bổ sung Fezim (siro), thực phẩm chức năng Bokimilk cốm tan trên website http://www.vitapure-usa.com/vn khi không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Công ty TNHH Y Dược Đại An, địa chỉ: Số 9-14 khu ĐTM Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Bảo An Tiền Liệt Đơn có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Công ty TNHH Thương mại Hồng Vỹ, địa chỉ: số 6, Phố Đỗ Đức Dục, Phường Mễ Trì, NamTừ Liêm, Hà Nội: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng BIG MAN có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Cùng với việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục ATTP đã buộc các cơ sở vi phạm dừng ngay hành vi vi phạm, tháo gỡ các nội dung quảng cáo sai quy định, cải chính thông tin.
Kiên quyết không để bán thực phẩm chức năng, mỹ phẩm tràn lan
Đây là ý kiến chỉ đạo của PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế trong cuộc Tọa đàm về công tác chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực y tế
PGS.TS. Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng có chiều hướng phức tạp, đã và đang tác động, ảnh hưởng xấu tới môi trường sản xuất kinh doanh và vi phạm quyền, lợi ích của người tiêu dùng; đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Theo đó, Bộ Y tế kiên quyết đấu tranh các hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ “…cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và tạo được chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nhận thức rõ những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả đối với kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn của cộng đồng, sức khỏe của người dân, đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp và tổ chức thực hiện kiên quyết, hiệu quả các giải pháp….”
Để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chủ động phối hợp với Chi Cục Hải quan, Chi Cục Quản lý thị trường và các Sở/Ban/ngành liên quan tập trung nguồn lực triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm, nguyên liệu, đây là các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, có nguy cơ cao trong buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, một số mặt hàng đã được Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, Bộ Công an cảnh báo.
Sự phối hợp chẽ của Bộ Y tế, Văn phòng Thường trực 389 Quốc gia, triển khai phá đường dây buôn lậu thực phẩm chức năng và mỹ phẩm giả, không đảm bảo chất lượng có quy mô lớn, địa bàn hoạt động rộng liên quan đến nhiều tỉnh tại Tp. Hồ Chí Minh. Văn phòng Thường trực 389 Quốc gia, cơ quan Công an, Tổng Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và các địa phương đã cùng Bộ Y tế kiên quyết đấu tranh mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa liên quan đến lĩnh vực y tế và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hai bên trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế, trong đó tập trung vào lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, vắc xin, sinh phẩm chẩn đoán, hóa chất trong y tế và trang thiết bị y tế.
Ý kiến bạn đọc