96 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết mỗi năm

10:00, 15/06/2015
|

(VnMedia) - Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm trên thế giới có khoảng 96 triệu người mắc bệnh SXH, với 500.000 trường hợp nặng cần nhập viện, 12.500 trường hợp tử vong .

 

Đó là thông tin được GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN Phòng chống SXH (15/6).

 

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, SXH (SXH) là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới, trong đó các nước ASEAN là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của SXH. Căn bệnh này không bị ngăn cách bởi biên giới các quốc gia, do đó, chủ đề phòng, chống SXH năm 2015 là “Đoàn kết vì một cộng đồng không còn SXH”.

 

Thứ trưởngNguyễn Thanh Long cho biết, ở Việt Nam, hằng năm cả nước có từ 50-100 ngàn trường hợp mắc SXH (85% ở các tỉnh phía Nam) dẫn đến nhiều ca tử vong. Trong những năm qua, các ca mắc và tử vong do SXH đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, song vẫn còn ở mức cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

 

Từ đầu năm 2015 tới nay, cả nước ghi nhận trên 10 nghìn trường hợp mắc SXH. Riêng tại khu vực TP HCM, 5 tháng đầu năm 2015 đã có 4.200 ca, tăng 27% so với cùng kỳ và đã có hai ca tử vong. SXH có nguy cơ diễn biến phức tạp do mùa mưa tới. Trong khi bệnh SXH Dengue là một bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng ngừa, thì việc phòng bệnh vẫn chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng, bọ gậy.

 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 10.000 ca mắc SXH, 10 ca bị tử vong. Bình quân mỗi năm tại Việt Nam có từ 50 – 100.000 ca mắc SXH.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, công tác phòng, chống SXH ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức do sự biến đổi khí hậu, sự ấm lê toàn cầu làm muỗi truyền bệnh phát triển; quá trình đô thị hóa tạo ra nhiều nơi thích hợp để muỗi truyền bệnh SXH sinh sản, đặc biệt là các công trình đang xây dựng, khu nhà trọ, lán trại…

 

Mặt khác, SXH vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, các biện pháp dự phòng vẫn được coi là những biện pháp chính trong cuộc chiến chống SXH. Trong đó, quan trọng nhất là phải ngăn ngừa được các loại muỗi truyền vi rút SXH, phải loại trừ được môi trường muỗi đẻ trứng và nơi lăng quăng/bọ gậy phát triển mạnh trước khi trưởng thành.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi toàn xã hội, của mọi nhà, mọi người hãy chung tay, đồng hành cùng ngành Y tế trong nhiệm vụ phòng chống sốt xuất huyết. “Tôi kêu gọi mỗi người dân hãy vì sức khỏe của chính bản thân mình, vì những người thân trong gia đình, vì môi trường và cộng đồng xung quanh, mỗi tuần hãy dành ra 10 phút để tìm và diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.”

  Ảnh minh họa

  Sốt xuất huyết tăng vào mùa mưa. Ảnh minh họa.



Triệu chứng của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết dengue

- Sốt xuất huyết dengue có những triệu chứng giống như cúm, kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

- Sốt cao (40°C/ 104°F) thường kèm theo ít nhất là hai trong những triệu chứng sau:

- Đau đầu
- Nhức sau hốc mắt
- Buồn nôn, nôn
- Sưng hạch bạch huyết
- Đau mỏi cơ, xương hay khớp
- Phát ban

Sốt xuất huyết dengue nặng

 Khi tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng, giai đoạn biến chứng nặng xảy ra vào ngày thứ 3-7 sau khi bệnh khởi phát. Nhiệt độ giảm; song điều đó KHÔNG nhất thiết có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngược lại, cần phải đặc biệt theo dõi những dấu hiệu cảnh báo sau, vì bệnh có thể tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng:

- Đau bụng cấp
- Nôn dai dẳng
- Chảy máu chân răng
- Nôn ra máu
- Thở gấp
- Mệt mỏi/ bứt rứt

Khi nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết dengue nặng, bệnh nhân cần được đưa ngay đến phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì:


-Thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc và/hoặc ứ dịch, kèm hoặc không kèm theo suy hô hấp;
- Xuất huyết nặng;
-Suy tạng nặng.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc