"Thủ phạm" gây bệnh mỡ máu ở người cao tuổi

11:09, 03/05/2015
|

(VnMedia ) - Rối loạn mỡ máu (đôi khi còn được gọi là máu nhiễm mỡ), thực chất là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, nguyên nhân có thể là tiên phát (do di truyền) hoặc thứ phát do các bệnh khác.

Sự rối loạn này bao gồm: tăng loại lipoprotein có phân tử lượng thấp (LDL-c), giảm loại có phân tử lượng cao (DHL-c), tăng Triglycerid, sự thay đổi này đồng thời làm cho Cholesterol toàn phần tăng, (lượng mỡ toàn phần trong máu tăng cho nên có tên gọi là bệnh mỡ máu cao).

Đối với người cao tuổi, các bệnh thiểu năng mạch vành, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, gut, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,.... là các bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Trong đó rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp và thiếu máu cơ tim (bệnh mạch vành) thường hiện hữu đồng hành với nhau, khó phân định bệnh nào bị trước và là nguyên nhân sinh ra bệnh nào?

Ảnh minh họa

Rối loạn mỡ máu do nhiều nguyên nhân khác nhau.



Yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi

Bệnh đái tháo đường:
Ở người cao tuổi đái tháo đường thường ở type 2, diễn biến thầm lặng hơn, các triệu chứng lâm sàng không rầm rộ, thường hay bị bỏ qua. Bệnh diễn biến lâu dài, không được điều trị, hoặc có điều trị nhưng mang tính chất nửa vời, không kiểm soát được nồng độ đường trong máu và xuất hiện những rối loạn mỡ máu.

Để đề phòng rối loạn mỡ máu ở bệnh nhân đái đường tuổi trưởng thành (người cao tuổi) nên kiểm tra định kỳ lipid máu hàng năm. Mục tiêu kiểm soát lipid máu ở bệnh nhân cao tuổi bị đái đường là: chỉ số LDL-cholesterol nhỏ hơn 2,6 mmol/L, Triglycerid nhỏ hơn 1,7 mmol/L. Đồng thời duy trì huyết áp ở mức tối đa dưới 130mm Hg, đường máu lúc đói ở mức 3,9- 7,2 mmol/L (70-130 mg/L).

Nghiện rượu, bia, thuốc lá : Người cao tuổi thường có thói quen nghiện rượu, bia, thuốc lá, nhất là các cụ ông.

Nghiện rượu là nghiện Ethanol, biểu hiện là lệ thuộc vào các triệu chứng xuất hiện khi không uống rượu, người nghiện bắt buộc phải uống rượu để cắt các triệu chứng này. Ethanol khi có nồng độ cao thường xuyên trong máu gây tổn thương các mô, ethanol xen vào giữa hai lớp lipid làm giảm thứ tự phân tử của các chuỗi acyl của phospholipid làm thay đổi cấu trúc màng từ đó làm gia tăng quá trình thấm cholesterol vào màng trong động mạch làm gia tăng xơ vữa động mạch. Rượu không trực tiếp gây bệnh rối loạn mỡ máu, chúng là yếu tố làm tăng biến chứng của rối loạn mỡ máu. Rượu liên quan đến rối loạn mỡ máu là do chúng gây viêm gan mạn và xơ gan do rượu, từ đó dẫn đến rối loạn chuyển hóa các chất trong đó có rối loạn chuyển hóa lipid.

Hút thuốc lá : Chất nicotin và monoxid carbon thâm nhập vào cơ thể do hút thuốc gây rối loạn mỡ máu: lipoprotein có tỷ trọng cao (HDL-c) giảm, đồng thời fibrinogen ( có chức năng trong cơ chế đông máu) tăng từ đó làm gia tăng bệnh xơ vữa động mạch

Ít vận động:   Tham gia rèn luyện thể dục (nhất là các bài tập thể dục chữa bệnh, thể dục dưỡng sinh) thường xuyên, điều độ có thể trì hoãn được sự suy giảm các chức năng trong cơ thể, làm giảm nguy cơ khởi phát các bệnh mạn tính ở người cao tuổi. Vận động không phải chỉ cần thiết cho cơ bắp, xương, khớp mà còn tác dụng đến toàn cơ thể. Cơ thể được rèn luyện đều đặn sẽ hoạt động hài hòa, cho người cao tuổi cảm giác dễ chịu, phấn khởi, yêu đời, trí óc sáng suốt và lao động có năng suất. Rèn luyện thể dục thường xuyên có tác dụng điều hòa và hạ chỉ số cholesterol trong máu.

Chế độ ăn uống không hợp lý : Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Cho nên khẩu phần dinh dưỡng cho người cao tuổi nên chú ý vào thành phần các chất được bổ xung hàng ngày phải cân đối hợp lý , nhất là các vitamin, và còn phải tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích của từng người nữa.

Tác dụng phụ của thuốc: Người cao tuổi thường mắc các bệnh mạn tính như: các bệnh tim mạch sử dụng nhiều các thuốc chẹn bê ta có thể gây nguy cơ kích hoạt bệnh đái tháo đường tiềm tàng và theo đó là rối loạn mỡ máu.

Dấu hiệu mắc bệnh mỡ máu cao

Người bị mỡ máu cao không có triệu chứng rõ rệt, không chỉ người béo mới bị bệnh mỡ máu cao mà bệnh có thể có ở cả người gầy; tuy nhiên người béo, thừa cân, béo phì thì nguy cơ cao hơn. Việc phát hiện bệnh chủ yếu là do khám sức khỏe, do nhập viện vì những bệnh khác xét nghiệm thấy rối loạn mỡ trong máu, hoặc khi có biến chứng tim mạch, bệnh tiểu đường, viêm tụy cấp, xét nghiệm máu mới phát hiện ra bệnh. Bệnh diễn biến âm thầm, khi có dấu hiệu và biểu hiện nghĩ đến bị mỡ máu cao, tức là đã có biến chứng, khi đó thường có một số dấu hiệu nhận biết như:

- Có những cơn đau thắt ngực không thường xuyên, thời gian ngắn, tự mất không cần điều trị nhưng lại có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Hoặc có cảm giác khó chịu vùng ngực như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức, kéo dài từ vài phút đến vài chục phút. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ, khó thở có thể kèm hoặc không kèm với tức ngực, có thể đau hoặc tức lan ra 1 hay 2 bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, hàm, thậm chí ở vùng dạ dày.

- Có dấu hiệu bất thường như: vã mồ hôi tự nhiên; buồn nôn đau đầu, choáng hoa mắt bứt rứt trong người; thở ngắn hồi hộp, cơ thể phì mập nhưng sức lao động lại giảm sút; cơ thể thường xuyên mệt mỏi. - Một số trường hợp có ban vàng dưới da: Da có những nốt phồng nhỏ bề mặt bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều trên da mắt, khuỷu tay, bắp đùi, gót chân, lưng, ngực…to bằng đầu ngón tay, màu vàng nhạt, không đau, không ngứa.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc