(VnMedia) - Dưa cải muối chua là món ăn dân dã, quen thuộc ở Việt Nam được chế biến theo cách thức làm dưa muối bằng nguyên liệu chính là rau cải (cải bẹ xanh hay cải bẹ trắng hay lá cải củ).
Dưa cải chua là một món ăn quen thuộc của mỗi nhà và được bày bán khá phổ biến trong các tiệm cơm bụi, quán ăn, nhà hàng.
Món ăn này vào ngày Tết dùng với món thịt heo kho hoặc thịt kho măng, cải chua có thể dùng kèm thịt luộc, thịt đông…. Trong trường hợp trời nắng nóng, ăn canh dưa nấu sườn, nấu thịt bò hay dùng dưa kho cá ngừ, cá đối hoặc om cùng cá chép đều dễ ăn. Món này có thể ăn kèm thịt chân giò luộc hay canh dưa bò… ngoài ra còn có thể chế biến thành món thịt kho dưa cải, cá kho dưa cải.
Đây là món ăn kèm, giải ngán cho những món quá nhiều dầu mỡ. Dưa cải muối chua thường kích thích vị giác (do có vị chua), nên tạo sự ngon miệng và thèm ăn. Tuy nhiên, loại thực phẩm này được làm chủ yếu từ các loại rau củ quả đã qua quá trình lên men và mất đi lượng vitamin cần thiết. Do vậy, nếu không sử dụng món ăn đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ăn nhiêu dưa muối gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa. |
Dưới đây là một số điều không nên làm khi ăn dưa muối
- Trước khi ăn nên rửa, vắt sạch dưa để loại bỏ vi khuẩn, giúp xả bớt vị mặn và vị chua gay gắt trong dưa. Nhiều người thường vớt dưa trong hũ ra và ăn ngay, không sơ chế thêm vì nghĩ trong môi trường muối mặn thì khó có vi khuẩn gây hại.
- Không ăn dưa cải muối quá nhiều, lượng dưa muối ăn vào mỗi lần chỉ nên khoảng 50g và không nên ăn thường xuyên vì trong dưa muối chua có chứa rất nhiều axit oxalic và canxi sẽ gây sỏi thận. Mặt khác vì rất mặn nên ăn nhiều không tốt cho sức khỏe, nó cũng là nguyên nhân chính gây ra sự phù nề và tích nước, nó có thể khiến cho thể tích máu tăng lên từ đó gây ra chứng huyết áp cao.
- Không ăn dưa muối chưa chí do nó thường chứa nhiều muối nitograt, dễ gây ngộ độc thực phẩm, làm tim mệt, thở dốc, tức ngực. Ngoài ra, hợp chất này khi tích tụ lâu trong cơ thể cũng dễ gây ung thư.
- Không nêm bột ngọt vì trong môi trường kiềm, bột ngọt sẽ làm cho mùi vị món ăn giảm đi, còn trong môi trường axit hay nhiệt độ cao, bột ngọt dễ biến thành chất gây hại cho sức khỏe.
Dưa muối ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Bà Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, theo cách làm truyền thống, dưa cà muối được chế biến nhờ quá trình lên men lactic do vi khuẩn lactic có trong tự nhiên phát triển và tạo ra sự lên men. Nhờ có men nên dưa muối có tác dụng kích thích tiêu hóa.
Bình thường trong rau cải hàm lượng nitrit chỉ ở dạng vết, nhưng khi muối dưa thì hàm lượng nitrit tăng lên trong vài ngày đầu do quá trình vi sinh khử nitrat có trong rau thành nitrit, nhưng nitrit giảm dần và mất hẳn khi dưa đã chua vàng. Khi dưa khú thì hàm lượng nitrit lại tăng cao. Nitrit khi vào cơ thể sẽ tác dụng với amin bậc hai có trong một số thức ăn như tôm, cá, mắm tôm... tạo thành hợp chất nitrozamin có nguy cơ gây ung thư.
Vì thế, để đảm bảo sức khỏe thì bạn không nên ăn dưa muối còn cay hoặc đã bị khú. Mặt khác, những người mắc bệnh thận, dạ dày cũng nên hạn chế ăn đồ muối bởi lẽ chúng có hàm lượng muối nhiều, men tiêu hóa cao, sẽ làm bệnh tăng thêm.
Ý kiến bạn đọc