(VnMedia) - Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo triển khai Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi-rút giai đoạn 2015 – 2019 được tổ chức tại Hà Nội.
Hiện nay, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu có khoảng 2 tỷ người bị nhiễm vi rút viên gan B, khoảng 350 triệu người mắc viêm gan B mạn tính và khoảng 150 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và viêm gan C cao. Nguy hiểm nhất là việc nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10 đến 20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ đẻ và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em.
Theo kết quả của các nghiên cứu trong nước và quốc tế, 90% số trẻ nhiễm vi rút viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính. Viêm gan mạn tính là một vấn đề y tế nghiêm trọng ở Việt Nam và ung thư gan là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B thuộc nhóm cao của thế giới. Theo kết quả một số nghiên cứu, tỷ lệ lưu hành vi rút viêm gan B của một số địa phương ở nước ta khoảng 10-25% dân số, trong đó tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở người khỏe chiếm khoảng 8-25%; tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C chiếm khoảng 0,4% đến 4,1% dân số tại cộng đồng. Bên cạnh đó, bệnh viêm gan do các vi rút viêm gan A, D, E cũng đang âm thầm tác động đến sức khỏe của các nhóm dân cư trong cộng đồng.
Mặc dù có tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong, người nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng học có biểu hiện rõ ràng. Những trường hợp nhiễm bệnh nặng có thể dẫn đến suy gan cấp, hoặc viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan.
Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và viêm gan vi rút C lây truyền qua đường màu và dịch thể, tương tự như với đường lây truyền HIV; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường tiêu hóa do thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm không đầy đủ, đúng cách.
Ảnh minh họa.
Biện pháp phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Nhận thức được sự nguy hiểm của vi rút viêm gan đối với sức khỏe người dân, đặc biệt đối với sức khỏe trẻ em, Chính phủ Việt Nam với sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều chương trình, biện pháp phòng chống viêm gan vi rút: từ năm 1992 Bộ Y tế đã đưa việc xét nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan B, C trong an toàn truyền máu; từ năm 1997, đã đưa vắc xin viêm gan B vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi...
Tuy nhiên công tác phòng, chống bệnh viêm gan vi rút tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Công tác phòng chống viêm gan vi rút mới được lồng ghép trong các hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm nói chung, chưa có kế hoạch dài hạn, đặc thù; việc giám sát bệnh viêm gan vi rút đã được triển khai song chưa có hướng dẫn giám sát cụ thể, chưa phản ánh đúng tình trạng mắc viêm gan thực tế tại cộng đồng.
Để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) và các cơ quan, tổ chức liên quan đã xây dựng bản Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015 – 2019, bản kế hoạch tập trung vào: Công tác dự phòng; Công tác giám sát, xét nghiệm; Công tác điều trị; Công tác an toàn truyền máu; Công tác tiêm chủng mở rộng; Công tác truyền thông... Bản kế hoạch đã được Bộ Y tế phê duyệt, ra quyết định ban hành.
Ý kiến bạn đọc