Cảnh giác tình trạng đuối nước trẻ em trong mùa hè

10:11, 29/05/2015
|

(VnMedia) - Chỉ mới bước vào đầu hè nhưng các vụ đuối nước thương tâm đã liên tục xảy ra nhưng một lời cảnh báo đến với gia đình và xã hội.

Mùa hè nóng nực cũng là lúc trẻ em, học sinh rủ nhau xuống sông, hồ, ao, bãi biển để tắm diễn ra phổ biến. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đuối nước rất cao.

Điều đáng nói, đuối nước là một trong những nguyên nhân gây nên tử vong nhiều cho trẻ em, nhưng dường như nhận thức của xã hội về mối nguy hiểm này còn nhiều hạn chế. Nhiều bậc phụ huynh vẫn xem nhẹ tai nạn đuối nước khi tỏ ra lơ là trong việc giám sát con em mình. Và chính sự thờ ơ này đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh tang thương.

Việc sơ cứu ban đầu đúng và kịp thời là hết sức quan trọng góp phần cứu sống bệnh nhân, giảm tỷ lệ biến chứng và di chứng.

Cách xử lý khi gặp tai nạn ngạt nước

Xử trí cấp cứu ban đầu rất quan trọng, khoảng 70% trẻ bị tai nạn ngạt nước được cứu sống nếu cấp cứu cơ bản tốt ngay tại nơi bị nạn.

Người bị ngạt nước thường bị hôn mê, ngừng tim, ngừng thở và giảm thân nhiệt; trong dạ dày và phổi thường có nước. Vì thế, việc cấp cứu người ngạt nước phải đảm bảo 2 phương châm (sơ cứu tại chỗ, tích cực, đúng phương pháp; kiên trì cấp cứu trong nhiều giờ) và 3 yêu cầu (làm thông thoáng đường hô hấp; cung cấp càng nhiều oxygen cho nạn nhân càng tốt; chống lại rối loạn tuần hoàn và hô hấp).

Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng... và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dai, chắc... từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên…

Nếu trẻ mất ý thức thì phải chú ý chấn thương đốt sống cổ và cố định cổ thật tốt.

Cách cứu người đuối nước.

- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.

- Quan sát nạn nhân xem có thở được không bằng cách nhìn vào lồng ngực và nghe tiếng thở bệnh nhân. Thao tác này cần thực hiện nhanh chóng.

- Nếu bệnh nhân còn thở thì đặt nạn nhân nằm nghiêng để dịch và chất nôn thoát ra ngoài.

- Nếu bệnh nhân không thở được thì lập tức đặt bệnh nhân nằm thẳng đầu ngửa bằng cách nâng cằm nạn nhân làm cho đường thở được thẳng, thông thoáng.

- Kiểm tra miệng bệnh nhân xem có đờm rãi, dị vật gì thì lấy bỏ. Đảm bảo loại bỏ hết dị vật.

T- iến hành hà hơi thổi ngạt miệng - miệng hoặc miệng - mũi (đối với trẻ nhỏ).

Cách tiến hành : Nếu sử dụng phương pháp miệng - miệng thì 1 tay bịt mũi nạn nhân, giữ đầu đảm bảo tư thế đầu ngửa. Sau đó hít một hơi sâu rồi thổi vào miệng nạn nhân. Tiến hành 5 lần liên tiếp rồi kiểm tra lại xem bệnh nhân có thở được không.

Ép tim ngoài lồng ngực tiến hành ngay sau khi kiểm tra mạch thấy mạch chậm, nhỏ hoặc không bắt được.

Sơ cứu người bị đuối nước

- Vị trí ép tim:1/2 dưới xương ức hay 1 khoát ngón tay trên mũi ức.

- Với trẻ nhỏ dùng gót bàn tay của 1 tay, với trẻ lớn dùng cả 2 tay để ép.

- Chiều sâu bằng 1/3 chiều dày lồng ngực.

- Tần số ép tim 100 lần/phút. Nếu có 1 người cấp cứu thì cứ 30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Nếu có 2 người cấp cứu thì cứ 15 lần ép tim 2 lần thổi ngạt.

- Cởi quần áo ướt, lau khô và ủ ấm nạn nhân.

Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi chú ý theo dõi hô hấp và tuần hoàn.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Những cách xử lý sai khi nạn nhân bị đuối nước

- “Xốc nước”: động tác dốc ngược để xốc nước là không cần thiết và không nên thực hiện vì thông thường nước vào phổi rất ít, chứ không phải vào đầy phổi như người ta thường nghĩ. Lượng nước rất ít này sẽ được tống xuất ra ngoài khi bệnh nhi tự thở lại. Việc xốc nước sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và làm tăng nguy cơ hít sặc nước vào phổi.

- Không thổi ngạt và ấn tim cho bệnh nhi đang ngưng thở, ngưng tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển, làm cho não và các cơ quan bị thiếu oxygen kéo dài, có thể gây chết tế bào não, dẫn đến tử vong hoặc di chứng não nặng nề.

- Thổi ngạt và ấn tim không đúng cách như: dang 2 tay bệnh nhi sang 2 bên rồi ép vào ngực để ấn tim mà không thổi ngạt, động tác sơ cứu này không nên thực hiện vì không hiệu quả.

- Hơ lửa hoặc “lăn lu” bệnh nhi (để bệnh nhi nằm vắt ngang qua lu rồi đốt lửa phía trong lu) với mục đích làm ấm. Thực ra cách này có thể làm nạn nhân bị bỏng và quan trọng nhất là làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt.

- Không cho cha mẹ đi theo, điều này gây khó khăn, chậm trễ trong điều trị vì người đưa trẻ đến bệnh viện không nắm rõ sự việc xảy ra.

Làm mất thời gian vàng cấp cứu hô hấp và tuần hoàn để cứu sống bệnh nhân. Hiện những cách này vẫn được lưu truyền trong cộng đồng như đưa nạn nhân lên vai vác xốc cho nước chảy ra, hay đặt nạn nhân lên cái lu rồi hơ lửa đốt…

Phòng tránh tai nạn đuối nước

Trong gia đình, nhà trẻ:  Cẩn thận với các dụng cụ chứa nước, lu, xô, thau,…xả hết nước trong bồn tắm khi không sử dụng. Không cho trẻ nhỏ nghịch gần nơi chứa nước. Nếu ở vùng sông nước, không cho trẻ chơi đùa gần ao, hồ, sông, rạch, giếng, đặc biệt vào mùa lũ.

Trong môi trường vui chơi, giải trí:   Cho trẻ học bơi và có các biện pháp an toàn khi bơi lội: khởi động trước khi bơi, không bơi lúc ăn no, không đùa giỡn quá nhiều trước và trong khi bơi. Trông chừng cẩn thận khi trẻ bơi. Không cho trẻ bơi ở những nơi không biết rõ độ sâu như đầm, vũng, hố… Bố trí nhân viên cấp cứu tại hồ bơi, bãi tắm để sẵn sàng cứu hộ.

Cách sơ cứu tại hiện trường và tại tuyến cơ sở

- Tập huấn, hướng dẫn cách cứu người chết đuối trong cộng đồng để xử trí tại chỗ khi có người bị nạn.

- Thành lập tổ, nhóm, đội cấp cứu lưu động.

Trẻ em tắm ở những bãi tắm tự phát không có sự quản lý của người lớn, nguy cơ đuối nước rất cao.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các khu dân cư, trường học về cách sơ cứu đuối nước.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc