(VnMedia) - GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết chi phí để tạo ra và lưu trữ một lượng tế bào gốc để điều trị các bệnh hiểm nghèo hiện nay rất cao.
Chi phí thực hiện các biện pháp kỹ thuật, tùy ca bệnh có thể dao động từ 150 đến 300 triệu đồng. Chi phí này đã được bảo hiểm y tế đồng chi trả với bệnh nhân. Nhưng tế bào gốc thì bảo hiểm y tế chưa tham gia chi trả, trong khi để có một lượng tế bào gốc đủ điều trị, bệnh nhân phải tốn khoảng 450 đến 600 triệu đồng. Đó là chi phí quá cao đối với mặt bằng kinh tế chung của bệnh nhân tại Việt Nam.
Giáo sư Trí nhấn mạnh, luật và các quy định trong thời gian tới phải công nhận tế bào gốc như một loại thuốc và bảo hiểm y tế phải đồng chi trả với bệnh nhân.
GS Trí cũng cho biết trong chương trình quốc gia về tế bào gốc đã trình Bộ Y tế, việc đề nghị Bảo hiểm y tế chi trả trong điều trị bệnh bằng tế bào gốc cũng được đề cập.
Ông Đỗ Trung Hưng, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế cho biết đang xây dựng hành lang pháp lý theo hướng tạo nguồn người hiến tế bào gốc tự nguyện, tương tự như hiến máu và tổ chức ngân hàng tế bào gốc với hệ dữ liệu quốc gia đủ lớn để phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Theo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, một trong những tồn tại, hạn chế lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam là chưa có văn bản, hướng dẫn trong lĩnh vực này.
Luật về máu và tế bào gốc đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, dự thảo luật mới tập trung chủ yếu vào phần máu, nội dung về tế bào gốc còn chưa đầy đủ và chưa tương xứng với tốc độ, tiềm năng phát triển của lĩnh vực này.
Các văn bản dưới luật, cả về nghiên cứu và ứng dụng điều trị do vậy chưa được xây dựng. Bên cạnh đó cũng thiếu các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, quy chuẩn thực hành để đơn vị có thể thực hiện. Việc tạo hành lang pháp lý cũng liên quan đến vấn đề đạo đức trong nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc.
Theo các nghiên cứu, nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã đưa ra các hướng dẫn riêng của quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc, song còn tương đối dè dặt. Nhìn chung, các nước trên thế giới mới cho phép sử dụng rộng rãi tế bào gốc trong nghiên cứu cơ bản, còn việc ứng dụng vào điều trị chủ yếu trong các bệnh lý về máu (tế bào gốc tạo máu).
Nhóm tế bào gốc phôi và tế bào gốc vạn năng cảm ứng hoàn toàn chưa được cho phép. Nhóm tế bào gốc trung mô đang trong quá trình nghiên cứu.
Để hoàn thiện hành lang pháp lý về nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp các chuyên gia xây dựng các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, các chuẩn mực thực hành trong nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng đối với các nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, làm cơ sở để các đơn vị có thể triển khai.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường vai trò của các hội đồng đạo đức, khoa học trong thẩm định, xét duyệt các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng về tế bào gốc.
Liên quan đến hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, tiến sỹ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các nghiên cứu cần bám sát và thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn về đạo đức y sinh học, thực hành sản xuất tốt, thực hành tốt thử nghiệm lâm sàng, Luật về hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người và sắp tới là Luật về máu và tế bào gốc.
Thứ trưởng cũng đề nghị xem xét và đề xuất vấn đề bảo hiểm y tế chi trả trong các trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh.
Ý kiến bạn đọc