(VnMedia) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết qua kết quả giám sát dịch bệnh trong cả nước, hiện nay vẫn ghi nhận các trường hợp trẻ em mắc bệnh ho gà khi mới 2-4 tháng tuổi và một số trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm khác.
Phần lớn các trẻ mắc bệnh do không được tiêm hoặc chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.
Một trong các nguyên nhân trẻ không được tiêm vắcxin đúng lịch do một số bà mẹ chờ đợi vắcxin dịch vụ như Hexa-infarix (vắcxin 6 trong 1 gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, hemophilus influenza tuýp B) hoặc vắcxin Pentaxim (vắcxin 5 trong 1 gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, hemophilus influenza typ B) để tiêm phòng cho con. Việc chờ đợi tiêm vắcxin dịch vụ sẽ làm chậm lịch tiêm chủng cho trẻ. Điều này thực sự rất nguy hiểm vì tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong của bệnh ho gà cao nhất ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
Ho gà có thể gây tử vong ở trẻ. Ảnh minh họa.
Nên tiêm vắcxin phòng ho gà cho trẻ từ 2 tháng tuổi
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lúc trẻ được 2 tháng tuổi là thời điểm kháng thể phòng bệnh ho gà mẹ truyền cho con bắt đầu hết. Khi đó, việc tiêm phòng cho trẻ vào thời điểm này là tốt nhất bởi nó giúp trẻ miễn dịch, không bị mắc bệnh, đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm bùng phát, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh bệnh ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học...
Để phòng chống bệnh ho gà, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắcxin Quinvaxem (vắcxin 5 trong 1) thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hemophilus influenza tuýp B. Vắcxin Quinvaxem thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng được miễn phí, an toàn và hiệu quả.
Đồng thời, các thành viên gia đình phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng vắcxin Quinvaxem cho trẻ là: Mũi 1 (khi trẻ 2 tháng tuổi), mũi 2 (khi trẻ 3 tháng tuổi), mũi 3 (khi trẻ 4 tháng tuổi) và tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
Triệu chứng của bệnh ho gà
Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Ho gà lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín, lâu dài như hộ gia đình, trường học…
Khởi phát của bệnh có thể là không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Thời gian ủ bệnh từ 7-10 ngày.
Triệu chứng của bệnh ho gà là trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn ói.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh trở nặng rất dễ dẫn đến tử vong do bị bội nhiễm, biến chứng viêm phổi, viêm phế quản -phổi. Bệnh thường gặp nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Biến chứng nguy hiểm
Viêm phổi : Là biến chứng thường gặp nhất, chiếm 20%, thường xảy ra vào tuần thứ 2, thứ 3 của giai đoạn ho cơn. Tác nhân có thể do chính bản thân B. pertussis nhưng thường gặp nhất là do vi khuẩn thứ phát xâm nhập vào.
Xẹp phổi: Chiếm tỷ lệ 5%. Nguyên nhân do các nút nhầy làm bít tắc các phế quản nhỏ.
Trong giai đoạn kịch phát, do cơn ho quá dữ dội dễ làm vỡ các phế nang gây ra tình trạng tràn khí mô kẻ hoặc tràn khí dưới da.
Biến chứng thần kinh
- Co giật thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh.
- Liệt nữa người, liệt chi và mất ngôn ngữ là do xuất huyết hoặc xung huyết não.
- Tetanie xuất hiện khi trẻ nôn mữa nhiều
- Bệnh não cấp còn gọi là chứng kinh giật ho gà.
Ngoài ra, bệnh ho gà có thể gây biến chứng như loét hãm lưỡi, vỡ cơ hoành, thoát vị rốn, bẹn, sa trực tràng, tụ máu dưới kết mạc, bầm tím dưới mí mắt, và nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ.
Ý kiến bạn đọc