(VnMedia) - Nước là thành phần dinh dưỡng quan trong nhất trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, điều này còn quan trọng hơn đối với trẻ em. Chúng ta thường nhắc nhiều đến các thành phần dinh dưỡng như chất đạm, đường, béo, vitamin, khoáng chất... nhưng lại thường bỏ sót thành phần quan trọng nhất, đó là nước.
Dược sĩ Lữ Ngọc Thuyền khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cho biết, Nước là thành phần cấu tạo chính của dịch cơ thể, nước bao gồm máu giúp vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng để nuôi các cơ quan; dịch tiêu hóa, nước bọt giúp tiêu hóa thức ăn; mồ hôi giúp làm mát cơ thể... ngoài ra nước còn là môi trường để các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể xảy ra.
Tuy nhiên nước lại không có mùi vị thơm ngon như một số loại nước ngọt có gaz, do đó nó không hấp dẫn các bé uống. Một số người còn hiểu lầm rằng các loại nước ngọt đó có thành phần chủ yếu là nước nên cứ để cho con uống thay thế phần nào cho lượng nước hằng ngày. Điều này là không đúng bởi vì các loại nước ngọt này không những gây sâu răng và béo phì cho các bé mà do thành phần của các loại nước ngọt này chứa nhiều đường nên cơ thể cần một lượng nước lớn hơn để giúp chuyển hóa lượng đường này nên làm cho cơ thể càng thiếu nước hơn.
Do đó các bậc phụ huynh cần kiểm soát các bé sử dụng các loại nước ngọt có gaz này, khuyến khích các bé uống nước lọc bình thường, chỉ cho bé uống nước ngọt trong các dịp đặc biệt như sinh nhật, liên hoan...
Đối với các bé hiếu động, lượng mồ hôi thất thoát qua da bé khá nhiều nên cần phải cho bé uống nhiều nước hơn để bù vào phần nước thiếu hụt này. Đùng để bao giờ để bé bị thiếu nước.
Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý: nước quan trọng nhưng nếu uống nhiều nước quá cũng gây nguy hiểm cho bé do uống nhiều nước thì thể tích máu trong cơ thể tăng lên nên tim và thận hoạt động nhiều hơn, dễ gây mệt mỏi cho bé. Ngoài ra, uống nước trong khi ăn cũng là cách dùng nước sai (nước ở đây có thể là nước canh, nước lọc) bởi vì uống nhiều nước trong khi ăn có thể làm loãng dịch tiêu hóa và làm cho việc tiêu hóa thức ăn trở nên kém đi.
Đối với các bé lớn tuổi có thể tự uống nước các bạn cần phải giáo dục các bé đừng bao giờ để cảm thấy khát thì mới uống bởi vì khi khát chứng tỏ cơ thể đang thiếu nước nên các hoạt động thể chất và tinh thần của bé bị suy giảm, do đó cần khuyến khích các bé uống nước ngay cả khi không cảm thấy khát. Đối với các bẻ nhỏ tuổi hơn do chưa biết cách diễn đạt khi muốn uống nước thì các bạn cần phải chịu khó lưu ý để các bé không bị thiếu nước.
Ảnh minh họa. |
Lưu ý cho trẻ uống nước vào mùa đông
Không nên hạn chế trẻ uống nước. Dù mùa đông, trẻ không ra mồ hôi nhưng vẫn cần cho bé uống đủ nước. Chỉ như vậy cơ thể trẻ mới đảm bảo hoàn thành tốt các chức năng sinh lý.
Cung cấp không đủ nước cho trẻ trong thời gian dài sẽ tạo thói quen lười uống nước ở trẻ. Nếu trẻ ít uống nước sẽ làm lượng máu lưu thông đến thận không đủ, gây ra tình trạng tiếu gắt hay ít đi tiểu, gây tác hại đến chức năng thận. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ bị táo bón.
Mùa đông, nhiều cha mẹ chú ý không nên cho trẻ uống nước lạnh. Hoặc ngược lại, lại cho trẻ uống nước quá nóng. Như vậy đều không tốt cho trẻ. Dạ dày của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, uống nước quá lạnh hoặc quá nóng sẽ gây hiện tượng co thắt ruột làm trẻ bị đau bụng. Nên cho trẻ uống nước ấm.
Nên đa dạng hoá các loại nước như uống nước cam ấm, nước chanh, các loại nước sinh tố, nước ép từ hoa quả tươi. Như vậy sẽ làm trẻ thích thú hơn với việc uống nước.
Nước canh, sữa cũng cung cấp một lượng nước khá tốt cho trẻ.
Trẻ cần uống bao nhiêu nước?
Đối với những bé dưới 6 tháng tuổi, lượng nước có trong sữa mà bé uống hàng ngày đã cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể hoạt động rồi. Vì vậy mẹ không cần cho bé uống thêm nước nữa.
Từ 6 tháng đến 1 tuổi, bé cần khoảng 200 – 300 ml nước mỗi ngày. Khi bé trên 1 tuổi cũng là lúc mẹ nên bắt đầu tập thói quen uống nước cho bé. Nhắc bé uống nước thường xuyên và đừng để khi khát mới uống vì khi khát là biểu hiện cơ thể bị thiếu nước rồi. Tùy vào thể trạng của bé mà nhu cầu nước của cơ thể cũng khác nhau.
Lượng nước sẽ tăng dần theo cân nặng của bé. Cụ thể: Những bé nặng khoảng 4,5 kg cần 425 ml mỗi ngày, đối với bé 5kg thì là 510ml nước. 6.3kg – 595ml, 7.2kg – 680ml, 8.1kg – 765ml, 8.5kg – 850ml, 9kg – 935ml, 10,9kg – 992ml, 11.8kg – 1020ml, 12.7kg – 1077ml, 13.6kg – 1105ml. Những bé lớn hơn cần khoảng từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
Ý kiến bạn đọc