(VnMedia) - Hầu hết ai cũng nghĩ rằng, xuất huyết não thường xảy ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bác sỹ Tống Quang Hưng, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, xuất huyết não ở trẻ em cũng nguy hiểm như ở người lớn, có thể dẫn đến tử vong.
Xuất huyết não ở trẻ em có thể do chấn thương, cao huyết áp, rối loạn đông máu, dị dạng mạch máu. Trong dị dạng mạch máu lại có u máu mao mạch, phình mạch, dị dạng động tĩnh mạch.
Bác sỹ Tống Quang Hưng khuyến cáo, khi thấy trẻ đang bình thường bỗng đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn... cha mẹ cần đưa đến bệnh viện cấp cứu để bác sĩ xử trí khẩn cấp, hạn chế trường hợp tử vong đáng tiếc.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân gây xuất huyết não ở trẻ em
Xuất huyết não ở trẻ em là bệnh tự phát với rất nhiều nguyên nhân nhưng 2 nguyên nhân thường gặp nhất ở căn bệnh này là do thiếu vitamin K đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi và đối với những bệnh nhi trên 6 tháng tuổi thường là do bẩm sinh hoặc những bất thường về mạch máu não.
Bệnh xuất huyết não có khả năng để lại di chứng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị đúng cách và kịp thời. Do vậy, để bảo vệ được sức khỏe của trẻ, phụ huynh nên chú ý những triệu chứng bất thường ở trẻ.
Thiếu vitamin K: Nguyên nhân khiến cho trẻ thiếu vitamin K có thể do sinh thiếu tháng, sinh non hoặc không được tiêm vitamin K phòng ngừa. Để phòng ngừa thiếu vitamin K, trẻ thường được tiêm phòng ngừa sau khi sinh. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sau khi tiêm ngừa vitamin K trẻ vẫn có thể mắc phải xuất huyết não vì một nguyên nhân khác.
Do các bệnh lý khác:
- Viêm mạch máu não
- Rối loạn đông máu
- Cơ địa bệnh lý tim mạch
- Các bệnh lý huyết học gây chảy máu não
- Bệnh lý Moya Moya (một căn bệnh vừa với phát hiện trong năm 2012)
Các dạng bệnh xuất huyết não ở trẻ em:
Bệnh xuất huyết não thường gặp nhất ở những trẻ từ 3 tuổi đến 10 tuổi. Biểu hiện bệnh thường xuất hiện ở 2 dạng:
Thứ nhất: Chưa xuất huyết: Ở dạng này đa phần sẽ không có triệu chứng rất khó phát hiện. Trẻ sẽ thường than đau đầu, không thêm dấu hiệu nào khác như thời gian đau đầu có thể lúc ngắn lúc dài rồi hết đau nhưng tình trạng này có thể kéo dài nhiều tuần liền hoặc nhiều tháng khiến cho phụ huynh lầm tưởng trẻ chỉ bị đau đầu thông thường. Lâu dần trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện co giật, yếu liệt tứ chi, khiếm khuyết về thần kinh…
Thứ hai: Đã xuất huyết: Ở dạng này biểu hiện của trẻ gần giống như ở người lớn. Tình trạng xuất huyết não sẽ diễn biến rất đột ngột. Tiến triển bệnh khiến bệnh phải nhập viện nhanh. Trẻ thường sẽ có biểu hiện như: đau đầu dữ dội, ói mữa, bỏ bú, bức rứt, quấy khóc, yếu liệt tứ chi, hôn mê sâu, động kinh.
Cách phòng tránh xuất huyết não ở trẻ em
TS. BS Lê Thị Khánh Vân, khoa Thần kinh , Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, xuyết não màng não là bệnh nặng có tỉ lệ tử vong và di chứng khá cao. Tiên lượng bệnh tùy thuộc vào vị trí xuất huyết, mức độ xuất huyết, tốc độ xuất huyết, thời gian chẩn đoán sớm hay trễ và khả năng can thiệp điều trị tại chỗ.
Do vậy, cần được điều trị cần tích cực, đúng và có sự phối hợp chặt chẽ các chuyên khoa như hồi sức, nội ngoại thần kinh và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Theo dõi thường xuyên là rất cần thiết để phát hiện và hỗ trợ điều trị kịp thời các biến chứng, đánh giá phát triển tâm thần vận động, hướng dẫn tập vật lý trị liệu...
Bác sĩ Vân khuyến cáo, nên nhập viện càng sớm càng tốt khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu trên. Vì đây là căn bệnh có nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhi rất cao, nhất là trong những trường hợp bệnh nhi đã bị xuất huyết não. Trong trường hợp bệnh nhi nhập viện cấp cứu khi tình trạng bệnh đã tạm thời ổn định, bác sĩ điều trị sẽ bắt đầu thực hiện những phương pháp kiểm tra để tìm ra nguyên nhân nền dẫn đến tình trạng bệnh của trẻ như: chụp cắt lớp, chụp mạch máu não, cộng hưởng từ… Việc chẩn đoán bằng hình ảnh sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn về nguyên nhân và tình trạng bệnh của bệnh nhi và chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất cho trẻ.
Ý kiến bạn đọc