(VnMedia) - Trong những ngày vừa qua, ở Hà Nội xuất hiện nhiều bệnh nhi sốt phát ban dạng sởi. Các bệnh nhi nhập viện với những triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39-40 độ C, mệt mỏi kèm chảy nước mũi, ho, nổi phát ban.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn những ngày vừa qua đã ghi nhận 13 trẻ bị sốt phát ban nghi sởi nhập viện, chủ yếu là trẻ dưới 9 tháng không trong độ tuổi tiêm chủng. Số ca mắc sởi cũng được ghi nhận rải rác tại các quận, huyện như: Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Gia Lâm,
ThS Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn cho biết, trong giai đoạn chuyển mùa thì những bệnh nhân mắc bệnh do virus có xu hướng tăng lên, đặc biệt là bệnh nhân sởi. Do vậy, các bà mẹ cần hết sức lưu tâm phòng bệnh sởi cho con trong thời điểm này. Các bậc cha mẹ có con nhỏ nên tránh tập trung ở những nơi đông người; Nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và trong độ tuổi trên 9 tháng nên tiêm chủng.
Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường phòng chống dịch sởi. Sở yêu cầu, Bệnh viện Xanh Pôn thực hiện việc cấp cứu, điều trị tối ưu cho các trẻ bị sốt phát ban nghi sởi, chủ động phòng chống lây nhiễm chéo. Đồng thời, Trung tâm y tế các quận, huyện cần chủ động giám sát ca bệnh tại cộng đồng; các bệnh viện được phân cấp và trường học cần khoanh vùng, xử lý kịp thời không để dịch lan rộng.
Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ sốt phát ban dạng sởi. |
Cách phân biệt sởi và sốt phát ban
Bệnh sởi và sốt phát ban có nhiều triệu chứng, biểu hiện giống nhau nên không ít phụ huynh không phân biệt được sự khác nhau giữa hai loại bệnh này, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm gây hậu quả đáng tiếc... Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, để phân biệt rõ hai căn bệnh này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý phụ huynh, hai bệnh đều giống nhau ở thời điểm ủ bệnh.
Giai đoạn ủ bệnh: Sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 - 39 độ C), xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.
Giai đoạn phát ban: Nếu là phát ban thông thường, thì chỉ là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm. Còn nếu là phát ban do sởi lại có những đặc trưng như: Lúc đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da. Lưu ý là trẻ bị nhiễm sởi thường có một trong 3 triệu chứng đặc trưng đi kèm đó là triệu chứng chảy nước mũi, ho hay dấu hiệu mắt đỏ, sau đó, các nốt ban đỏ sẽ xuất hiện từ ngày thứ ba đến ngày thứ 7. Còn ở sốt phát ban, quá trình mọc ban đỏ không theo trình tự nào, có thể sau sốt 1 – 2 ngày.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trẻ bị sốt phát ban nhẹ không cần đi bệnh viện mà cần chăm sóc chu đáo như tăng cường chế độ dinh dưỡng, điều trị hạ sốt, bổ sung nhiều nước, giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng… Sau vài ngày, bệnh sẽ tự khỏi. Nếu bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng sốt cao li bì, mạch huyết áp bị ảnh hưởng, xuất hiện các biểu hiện rối loạn tri giác như la hét, vật vã thì cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa.
Biện pháp phòng bệnh
- Bệnh sốt phát ban: Tiêm chủng cho trẻ em vắc xin ngừa 3 bệnh Rubella, sởi, quai bị được áp dụng: Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 12 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm trong độ tuổi từ 4-6 tuổi. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì tiêm một liều duy nhất (phụ nữ chỉ được có thai sau khi tiêm vắc xin được 3 tháng).
- Bệnh sởi: Phòng bệnh cách cho trẻ tiêm phòng vắc xin sởi khi đủ 9 tháng tuổi. Và tiêm mũi thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi để đảm bảo đủ liều lượng, nồng độ kháng thể giúp trẻ miễn dịch tốt với loại virus sởi. Việc tiêm mũi thứ 2 có thể tạo miễn dịch tới 99%. Hiệu quả của vắc xin phụ thuộc rất lớn vào chất lượng bảo quản.
Ý kiến bạn đọc