27% dân số mắc bệnh tiền đái tháo đường

18:47, 14/11/2014
|

(VnMedia) Việt Nam là một trong những nước có số người mắc bệnh đái tháo đường cao, đặc biệt tại các thành phố lớn. Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam là 5% dân số và tiền đái tháo đường là 27%. Điều nguy hiểm là 65% số người mắc bệnh này lại không biết...

Tiền đái tháo đường là tình trạng suy giảm hoạt động của hóc-môn insulin trong cơ thể, dẫn đến đường huyết tăng cao vượt ngưỡng bình thường. Tuy mức đường huyết này chưa cao đến mức chẩn đoán đái tháo đường, nhưng tiền đái tháo đường là cửa ngõ dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Nếu đã mắc tiền đái tháo đường nhưng không điều trị kịp thời thì hơn 60% số đó sẽ tiến triển thành đái tháo đường trong thời gian trung bình 6 tháng đến 3 năm.

Theo khảo sát hiện có khoảng 40% người Việt không có khái niệm về tiền đái tháo đường, 80% trong số đó thừa nhận biết rất ít hoặc không biết các biện pháp phòng tránh và đẩy lùi đái tháo đường. Điều này được giải thích là do tiền đái tháo đường không có triệu chứng đặc trưng, khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.Nhưng chính sự thiếu hiểu biết này đã tạo điều kiện cho tiền đái tháo đường âm thầm phát triển thành đái tháo đường. Và khi đó người bệnh sẽ phải chung sống cả đời với căn bệnh này.


  Ảnh minh họa

 Người béo phì có nguy cơ bị tiền đái tháo đường cao.


 

Các triệu chứng của tiền đái tháo đường

 

Tiền đái tháo đường g thường không có triệu chứng nào cả, bệnh tiến triển âm thầm và hoàn toàn không có dấu hiệu cảnh báo. Chỉ một số rất ít các trường hợp có thể có biểu hiện như: thường xuyên đi tiểu, khát nước, thèm ăn, giảm cân, mờ mắt và mệt mỏi.

Triệu chứng thường không rầm rộ và lẫn với nhiều căn bệnh khác nên người bệnh dễ bỏ qua hoặc không nghĩ đến là dấu hiệu của đái tháo đường.

 

Ai có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường?

 

- Những người sống trong gia đình có người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

- Những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ hoặc sinh bé nặng hơn 4kg.

- Những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang .

- Những người thừa cân hoặc béo phì, đặc biệt là ở vòng 2.

- Những người có cholesterol cao, chất béo trung tính cao, tỷ lệ thấp HDL / LDL.

- Những người không hoạt động.

- Người già - khả năng sử dụng insulin kém đi khi chúng ta có tuổi.

Lời khuyên ăn uống cho bệnh nhân tiền đái tháo đường

- Ăn uống vừa đủ theo nhu cầu sẽ giúp duy trì cân nặng phù hợp và giảm cân ở người bị thừa cân béo phì. Cũng không nên nhịn ăn, chịu đói vì sẽ kích thích cơ chế tạo đường của gan làm đường huyết tăng cao hơn.  

- Ăn đủ các nhóm thực phẩm để đảm bảo đủ dưỡng chất (trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày).

  - Chọn lựa thực phẩm có lợi cho sức khỏe: gạo không chà trắng, ngũ cốc còn nguyên cám, ăn nhiều các loại thực phẩm có nhiều chất xơ để chậm hấp thu đường vào máu sau ăn và giảm hấp thu cholesterol vào máu (bao gồm các loại rau xanh, trái cây tươi), dùng dầu thực vật thay mỡ động vật.

- Thực đơn nên có cá tối thiểu 2 lần/tuần, dùng thêm đạm thực vật (các loại đậu, ngũ cốc) thay một phần thịt.  

- Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol để phòng ngừa xơ vữa động mạch (có trong mỡ động vật, lòng, phủ tạng, dầu cọ, dầu dừa...).

  - Hạn chế ăn mặn bằng cách giảm nêm muối hay tránh nêm thêm trên bàn ăn, hạn chế dùng các thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như thịt hộp, cá hộp, dưa muối, mắm, tương, chao, cá khô...

  - Hạn chế các loại đường mía, nước ép trái cây, nước ngọt, kẹo; bia, rượu, thuốc lá...

  - Không ăn quá no, nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ.

.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc