Việt Nam: Gia tăng bệnh sa sút trí tuệ

12:50, 15/08/2014
|

(VnMedia) - Theo Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương Phạm Thắng, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và đứng thứ 7 trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Bên cạnh những thách thức lớn đối với nền kinh tế và an sinh xã hội, Việt Nam đang phải đối phó với sự gia tăng của các bệnh mãn tính, trong đó có bệnh về thần kinh như sa sút trí tuệ.

 

Số liệu năm 2012 của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, toàn thế giới có 35,6 triệu người mắc chứng sa sút trí tuệ, trong đó sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer chiếm 50-70%. Dự kiến đến năm 2030, cả thế giới có 65,7 triệu người và con số này đến năm 2050 là 115,4 triệu người; trong đó 58% sống tại các nước thu nhập thấp, trung bình và sẽ tăng lên trên 70% vào năm 2050.

 


 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Một trong số đó phải kể đến sự sa sút trí tuệ mà điển hình là bệnh Alzheimer. Alzheimer - bệnh thoái hóa thần kinh có triệu chứng lâm sàng là suy giảm trí nhớ, mất ngôn ngữ, mất khả năng vận động và nhận thức, rối loạn định hướng không gian và thời gian, suy giảm khả năng thực hiện hoạt động.

 

Ở Việt Nam , theo một nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tỷ lệ số người mắc Alzheimer trung bình từ 6-8%. Theo GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, điều trị bệnh Alzheimer chủ yếu không nên dùng thuốc mà can thiệp hướng thực tại cho bệnh nhân để cải thiện tình trạng nhận thức. Người bệnh cần luyện tập thể lực hàng ngày 1h, 2 lần/tuần như đi bộ, luyện cơ, thăng bằng hoặc mềm dẻo… để làm chậm suy giảm khả năng hoạt động hàng ngày.

 

Ngoài ra, cần cho họ tập nhận biết, phân loại, phân biệt, nhắc đi nhắc lại nhiều lần một vài vấn đề nào đó, tập làm tính, xếp hình… Cần giúp người bệnh tham gia xã hội để cân bằng trạng thái tinh thần. Có thể cho họ tập tô màu tranh, xếp hình, xâu chuỗi hạt… Sau một thời gian điều trị, tình trạng nhận thức chung của bệnh nhân sẽ tăng lên, mức độ trầm trọng của các triệu chứng hành vi, tâm thần giảm, chất lượng cuộc sống tăng. "Các biện pháp can thiệp không dùng thuốc đơn giản, dễ thực hiện và không có biến cố bất lợi, có thể áp dụng thường xuyên…” - GS.TS Phạm Thắng nhấn mạnh.

 

Nhìn chung chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Alzheimer thấp, chỉ đạt 35-53% tùy theo mức độ bệnh; thời gian phát bệnh càng lâu, chất lượng cuộc sống bệnh nhân càng giảm. Tình trạng bệnh gồm suy giảm nhận thức, các triệu chứng tâm thần, hành vi, hoạt động hàng ngày càng nặng thì chất lượng cuộc sống càng bị giảm.

 


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc