(VnMedia) - Theo tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số người tử vong vì virus Ebola ở Tây Phi tiếp tục tăng nhanh và hiện đã lên tới mức 1.350 người, trong đó Liberia trở thành nơi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất.
Theo WHO, tính đến ngày 20/8 đã có tổng số 2.473 ca nhiễm bệnh và 1.350 người tử vong, trong đó riêng Liberia đã có 972 người nhiễm bệnh và 576 người tử vong.
WHO cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn cung cấp, bao gồm nhiên liệu, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm khác, sau khi một số hãng hàng không và dịch vụ vận chuyển đã tạm ngừng cung cấp cho một số trung tâm dân cư ở Liberia, Sierra Leone và Guinea.
WHO cũng cho biết họ đang tiến hành một chiến dịch tuyên truyền lớn tập nhằm vào các công ty và tổ chức đang hoạt động ở châu Phi, do một số công ty đã quyết định đình chỉ cung cấp dịch vụ cho các quốc gia có ổ dịch Ebola.
Cùng với Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tổ chức này cũng đang phát động một chiến dịch nhằm cung cấp lương thực cho khoảng 1 triệu người đang bị cách ly tại 4 huyện của Guinea, Sierra Leone và Liberia.
Mặc dù đại dịch Ebola vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu và tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại các nước Tây Phi, song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã ghi nhận "những dấu hiệu đáng khích lệ" tại Nigria và Guinean, nơi các biện pháp đề phòng cũng như nỗ lực truy tìm các con đường lây nhiễm đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) về Ebola, chuyên gia vật lý người Anh - David Nabarro cũng đã tới khu vực Tây Phi nhằm tăng cường các dịch vụ y tế tại 4 quốc gia có người nhiễm loại virus chết người này.
Chuyến công du sẽ tập trung "vực dậy lĩnh vực y tế" tại các quốc gia Tây Phi, nơi các cơ quan y tế công cộng vừa phải đấu tranh chống lại các bệnh gây chết người hàng loạt như sốt rét, trong khi một số nước vừa thoát khỏi nhiều năm bị tàn phá bởi xung đột, chiến tranh...
Cách phòng bệnh do virus Ebola
- Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng, dung dịch sát khuẩn.
-Hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ê-bô-la khi không cần thiết (quốc gia vùng Tây Phi:
- Nếu phải đi, cần tìm hiểu thông tin tình hình dịch bệnh Ê-bô-la tại nơi đến để có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh Ê-bô-la; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, mặc trang phục phòng hộ cá nhân đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Những người trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.
- Thường xuyên cập nhật thông tin và cách phòng chống dịch bệnh Ê-bô-la của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trên websitehttp://vncdc.gov.vn và các thông tin chính thống khác.
Ý kiến bạn đọc